Tháng giêng này chị lại tổ chức cho mấy gia đình nghèo trong xóm đi chùa Bà lễ phật. Năm nào cũng vậy, cứ đến gần rằm tháng Giêng, mấy dì, mấy chị trong xóm lại ngó ngó, nghiêng nghiêng trước nhà chị thăm dò. Có người mạnh dạn hỏi: “Năm nay có đi chùa không cô Phượng?”, nhiều người khác không dám hỏi, chỉ nôn nóng chờ đợi. Nhiều người thật tội, muốn đi chùa Bà Tây Ninh mà không có tiền. Chị bỏ tiền thuê xe cho họ đi lại, còn thức gần trắng đêm chuẩn bị chiên gà, ram thịt, mua bánh tét, chả lụa mang theo cho bà con ăn.
Chuyện chị tổ chức bà con nghèo đi chùa hàng năm là một trong vô số chuyện chị làm, nên vốn đã bận rộn chị càng bận rộn thêm. Mỗi lần gọi điện, lại thấy chị đang ở một chỗ nào đó xa lắc, khi thì Bình Dương, lúc lại ở Đồng Nai hoặc Vũng Tàu... Chuyện riêng cũng có nhưng đa phần là lo chuyện xã hội.
Một lần, nghe ai đó kể chuyện có bà cụ già sống một mình, con cháu bỏ mặc, không ai nuôi, đi ăn xin bị té gãy chân, chị chạy ù đến nơi, cõng bà cụ đến bệnh viện chữa bệnh rồi lại rước về, thuê nhà cho ở và chu cấp cơm nước hàng ngày. Thấy chị có lòng với người già, người ta lại giới thiệu các cụ khác đến với chị. Bây giờ đã có 4 cụ già neo đơn được chị thuê nhà lo chuyện ở, cơm nước hàng ngày như người thân của mình. Nhiều hôm đi làm về mệt phờ, chị vẫn tranh thủ đến thăm các cụ, nói chuyện với các cụ.
Hỏi chị sao không thuê một phòng rộng cho 4 cụ ở chung để các cụ có người bầu bạn cho vui, chị cười giải thích: “Các cụ lớn tuổi mỗi người mỗi tính, ở chung có khi không hợp, lỡ có chuyện xích mích xảy ra làm các cụ buồn tủi thêm. Cứ để các cụ sống riêng cho thoải mái, hàng ngày mình lui tới thăm nom cho các cụ đỡ buồn”.
Có lẽ do chị đã phải trải qua thời thơ ấu quá khổ cực, đối mặt thường xuyên với cái đói và sự thiếu thốn tình cảm gia đình nên chị dễ đồng cảm, xúc động trước những hoàn cảnh tương tự mình. Câu chuyện về tuổi thơ của chị đã được chị viết thành cuốn tự truyện mà ai đọc cũng ngậm ngùi, thương cảm trước nỗi cơ cực mà chị đã từng trải qua.
Xúc động nhất là sự hy sinh quá lớn của chị cho gia đình. Lẽ ra chị đã đi xuất cảnh sang Mỹ cùng gia đình, lẽ ra chị đã có cuộc sống đầm ấm bên người thân nhưng tấm lòng nhân hậu của một cô bé 16 tuổi - khiến chị không thể bỏ mặc người anh trai không thể đi xuất cảnh được, vì bị bệnh tâm thần.
Đó là những ngày tủi cực nhất trong đời khi cả nhà sang Mỹ hết, chỉ còn lại một mình chị bên cạnh người anh không có khả năng biểu lộ tình cảm với em gái duy nhất của mình. Chị dồn hết tình cảm cho anh và bằng tình yêu thương, sự chăm sóc dịu dàng của một người em gái, chị đã giúp anh dần dần cảm nhận được tình cảm của người thân và đã phần nào biểu lộ được tâm trạng của mình.
Cảnh người anh trai hàng ngày đứng trước cửa ngóng chờ em gái đi làm về và hình ảnh những lúc anh ngoan ngoãn ăn hết tô cơm lớn, để được em gái cho... 5.000 đồng - đã là nguồn an ủi vô cùng lớn lao trong suốt những ngày cô đơn, khổ cực của chị... Rồi chị cũng có chồng, có con. Cuộc sống vợ chồng có lúc không suông sẻ nhưng những đứa con ngoan và một người anh trai không biết cách chia sẻ nhưng luôn dành cho chị cái nhìn trìu mến đã làm chị không cảm thấy lẻ loi...
Mới đây gia đình bên Mỹ quyết định lo cho người anh trai chị xuất cảnh sang Mỹ sống với gia đình. Chị lo hồ sơ cho anh đi với một tâm trạng ngổn ngang, vừa muốn anh mình được sung sướng nhưng lại buồn tủi khi nghĩ đến cảnh mình lại thui thủi một mình. Cứ nghĩ đến cảnh không còn được nhìn thấy ánh mắt âu yếm của anh trai, mỗi ngày đi làm về không có ai đứng ngóng chờ ở cửa, chị lại thấy buồn muốn khóc...
NAM KHA