Chuyển đổi số trong quản lý thu gom, vận chuyển rác: Hạn chế bất cập, phù hợp xu hướng

Hiện nay, ở TPHCM, lực lượng thu gom rác dân lập chiếm 60%, công lập chiếm 40%. Để giải quyết những bất cập trong công tác thu gom rác, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp hữu hiệu chỉ có thể là đẩy mạnh áp dụng công nghệ.
Nhiều phương tiện thu gom vận chuyển rác vẫn thô sơ, dễ gây ô nhiễm môi trường
Nhiều phương tiện thu gom vận chuyển rác vẫn thô sơ, dễ gây ô nhiễm môi trường

Chưa đồng bộ

Như thường lệ, cứ khoảng tầm 8-9 giờ mỗi ngày, đơn vị thu gom rác ở khu phố 4, phường An Khánh, TP Thủ Đức (TPHCM) lại điều một chiếc xe máy cũ kỹ có gắn thùng sắt loại một ngăn lạch cạch đi thu gom rác ở các hẻm. Theo ghi nhận, tất cả rác người dân bỏ ra đã được cho vào bao nhưng nhân viên thu gom lại bới tung ra để lượm chai nhựa, sắt vụn…, sau đó tất cả lại đổ chung vào thùng của xe thu gom. Việc phương tiện thu gom không được trang bị đúng chuẩn cộng với người thu gom không làm đúng quy trình, quy định vô tình đã khiến môi trường bị ảnh hưởng, nhất là mùi hôi. Không chỉ vậy, người dân sửa nhà, có ít xà bần mang ra trước cửa nhà nhưng có khi 2-3 ngày vẫn không được thu gom. Khi người dân bức xúc thắc mắc vì sao không được thu gom thì rơi vào… im lặng!

Ông Huỳnh Minh Nhựt, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, nhìn nhận, công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều bất cập, nhất là lực lượng thu gom rác dân lập. Do lực lượng này chưa có pháp nhân rõ ràng nên công tác quản lý chưa chặt chẽ, dẫn đến chất lượng dịch vụ thu gom chưa đạt yêu cầu, thời gian thu gom không đều, vẫn còn tình trạng thu gom theo kiểu “da beo” (chỗ nào dễ thì gom, khó thì bỏ). Ngoài ra, thành phố hiện vẫn tồn tại tình trạng phí thu gom rác mỗi nơi mỗi giá, không đồng nhất dẫn đến việc mạnh ai nấy làm, không có sự thống nhất, đồng bộ. Những bất cập này khiến cho việc thu gom, vận chuyển rác chưa thực sự đạt chất lượng, gây ảnh hưởng môi trường và gây bức xúc cho người dân.

Áp dụng công nghệ

Theo các chuyên gia, hiện các phường, xã đang quản lý mạng lưới thu gom rác thải với dữ liệu rất lớn về hộ dân, chủ nguồn thải. Vì vậy, áp dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm là bước chuyển đổi số rất quan trọng để quản lý chuyên môn và số liệu dân cư theo địa chỉ. Ngoài ra, với việc áp dụng mô hình chuyển đổi số sẽ kết nối chặt chẽ giữa người dân, chính quyền và đơn vị thu gom. Từ đó, các địa phương có thể dễ dàng triển khai hoạt động phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Ở góc độ đơn vị triển khai dịch vụ, ông Nguyễn Trọng Minh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ GRAC (đơn vị đang hỗ trợ các quận, huyện trên địa bàn TPHCM thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thu gom rác) cho biết, trước bối cảnh bắt buộc phân loại rác thải tại nguồn sau ngày 31-12-2024, người dân càng đòi hỏi sự cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom rác. Để giải bài toán này phải áp dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, đã có các đơn vị ở TPHCM như quận 3, 4, Bình Thạnh, Gò Vấp, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và phường Tân Định (quận 1) ứng dụng phần mềm quản lý thu gom rác, các đơn vị còn lại đang triển khai công đoạn số hóa dữ liệu.

Phần mềm E.GRAC.VN (viết tắt GRAC) được cài đặt trên điện thoại thông minh, máy tính bảng... với hệ thống dữ liệu tập trung, đa nền tảng và được đồng bộ liên tục. Các chức năng của GRAC có thể mang lại bao gồm: tra cứu tiền rác và thanh toán online, gửi phản ánh, khiếu nại online, đặt lịch thu gom rác cồng kềnh, đặt lịch thu gom rác tái chế và hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Đặc biệt, người quản lý dễ dàng nắm bắt thông tin, hiện trạng thu phí giữa đơn vị thu gom và chủ nguồn thải, đảm bảo tính chính xác, minh bạch. Về lâu dài, phần mềm sẽ đồng bộ dữ liệu với các dữ liệu khác của thành phố và được sử dụng cho việc quy hoạch quản lý đô thị, đô thị thông minh, hoạch định chiến lược liên quan tới từng địa phương và toàn thành phố.

Theo chia sẻ của một số đơn vị đang áp dụng phần mềm GRAC, khi triển khai, áp dụng thực tế tại đơn vị, phần mềm đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm chi phí, hiệu quả tốt hơn. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, đại diện Hợp tác xã Môi trường quận 3, cho biết, chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, định hướng cho tương lai. Nếu như trước đây công tác quản lý chỉ trên giấy tờ dễ gây thất thoát, thụ động, mất thời gian, khó chuyển giao công việc, không kiểm soát được người thu gom và khách hàng... thì khi áp dụng GRAC mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm hơn 50% khiếu nại (về chất lượng, thời gian, khối lượng thu gom rác); giảm sử dụng giấy tờ, tối ưu năng suất làm việc; kết nối, thu ngắn khoảng cách giữa các bộ phận; dữ liệu thống nhất minh bạch; tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng thu gom.

Tương tự, bà Trần Thị Phương, đại diện Hợp tác xã Môi trường quận Gò Vấp, cũng cho biết, chuyển đổi số giúp kết nối dữ liệu trong chuỗi cung ứng từ hộ gia đình/chủ nguồn thải đến người thu gom, nhà máy xử lý; đồng thời, giảm thiểu việc thải bỏ rác không chính chủ, rác đổ trộm. Ngoài ra, Hợp tác xã Môi trường quận Gò Vấp cũng đã triển khai phần mềm GRAC nên công việc đã được chủ động hơn, đo lường được khối lượng rác, việc thu gom minh bạch, rõ ràng và đặc biệt người dân được chủ động trong việc đặt lịch thu gom qua ứng dụng, đường dây nóng.

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, chuyển đổi số trong quản lý thu gom chất thải là xu hướng tất yếu. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cũng đã áp dụng chuyển đổi số trong nhiều hoạt động như quản lý xe rác ra vào trạm trung chuyển, góp phần hạn chế xe đổ rác trộm từ các địa phương khác về địa phương do công ty quản lý; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin... bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, tiết kiệm được nhân lực và chi phí.

Tin cùng chuyên mục