Chuyển động buýt đường sông

Hai tuyến tiên phong
Chuyển động buýt đường sông

Một trong những mục tiêu tối hậu của dự án vận tải hành khách công cộng đô thị bằng đường sông theo mô hình xe buýt là góp phần giảm áp lực cho giao thông công cộng đường bộ vốn đang ngày càng trở nên quá tải trên địa bàn TPHCM.

Canô vận chuyển khách trên kênh Bến Nghé - Tàu Hủ. Ảnh: THÀNH TRÍ

Hai tuyến tiên phong

Cách đây tròn một năm, vào tháng 10-2015, UBND TPHCM đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng đường thủy trên địa bàn thành phố, gọi cách khác là dự án VTHKCC bằng đường sông theo mô hình xe buýt, tức buýt đường sông.

Theo phê duyệt này, dự án nhằm phát triển hai tuyến buýt đường sông tiên phong đi theo các tuyến sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ, dàn trải qua 8 quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến buýt đường sông số 1 dài khoảng 10,8km có lộ trình bắt đầu từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn để đến khu vực phường Linh Đông thuộc quận Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Với lộ trình này, tuyến số 1 còn gọi là tuyến buýt đường sông Bạch Đằng - Linh Đông. Tuyến buýt đường sông số 1 có 7 bến đón trả khách, dàn trải qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2 và Thủ Đức.

Trong khi đó tuyến buýt đường sông số 2, còn có tên gọi khác là tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm dài 10,3km. Lộ trình tuyến buýt đường sông số 2 cũng bắt đầu từ bến Bạch Đằng, đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé rồi kết thúc tại khu vực bến Lò Gốm thuộc phường 7, quận 6. Tuyến buýt đường sông số 2 cũng bao gồm 7 bến đón trả khách, các bến này nằm trên địa bàn các quận 1, 4, 5, 6 và 8.

Tất cả các bến đón trả khách đều có ki-ốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh riêng; các bến Linh Đông và Lò Gốm sẽ xây dựng thêm một số vị trí đậu tàu phục vụ vận hành trên tuyến. Tại đầu bến Bạch Đằng thì khác, ở đầu bến này nhà đầu tư sẽ sử dụng dịch vụ bến do thành phố quy hoạch và xây dựng tại khu vực này để làm bến đón trả khách.

Hai tuyến buýt đường sông tiên phong này sẽ cần một loạt hạng mục công trình bổ trợ như khu vận hành bảo dưỡng phương tiện, neo đậu tập kết phương tiện về đêm, khu nhà điều hành và các công trình liên quan phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.

Quy mô đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, khi đi vào hoạt động là 10 phương tiện buýt đường sông, trong đó tuyến buýt đường sông số 1 là loại phương tiện với sức chứa 60 chỗ/phương tiện; còn tuyến buýt đường sông số 2 là loại phương tiện với sức chứa 30 chỗ. Trong giai đoạn hoạt động tiếp sau đó, có cần đầu tư phương tiện có sức chứa lớn hơn hay không sẽ tùy thuộc vào nhu cầu vận hành trên từng tuyến.

Dự án phát triển hai tuyến buýt đường sông này sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (xây dựng - sở hữu - chuyển giao, gọi tắt là hợp đồng BOO). Trong tổng vốn đầu tư dự án là 124,5 tỷ đồng, thì vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20%, số còn lại đến từ nguồn thuê mua tài chính và tín dụng.

Bánh xe đã chuyển động

Đầu tháng 8-2016 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đã có Quyết định số 3944/QĐ-SGTVT về việc duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện hai tuyến buýt đường sông nói trên. Theo đó, Công ty TNHH Thường Nhật trở thành nhà đầu tư chính thức cho hai tuyến buýt đường sông này.

Có thể nói, Công ty TNHH Thường Nhật chính là nhà đầu tư tiềm năng kiên trì nhẫn nại, chịu khó đeo bám nhất với dự án xây dựng các tuyến VTHKCC đô thị bằng đường sông, quen gọi là buýt sông này. Đây có lẽ cũng là đơn vị hiếm hoi - nếu không muốn nói là duy nhất đã lập và trình phương án đầu tư khá cụ thể lên cấp thẩm quyền thành phố. Công ty TNHH Thường Nhật đã tỏ ra đặc biệt quan tâm muốn đầu tư phát tiển buýt sông cho thành phố và tỏ ra chuyên nghiệp khi mà trong những đề án đầu tiên đệ trình lên cấp thẩm quyền ngay từ cách đây 5 năm, phía Công ty TNHH Thường Nhật đã trình bày đủ hết các góc cạnh của vấn đề: những tuyến đề xuất với lộ trình rõ ràng; hệ thống bến bãi hạ tầng phục vụ, vận hành các tuyến buýt sông; chi phí đầu tư và thời gian hoàn vốn dự kiến; giá vé hành khách… Trong khi đó, Sở GTVT TPHCM cũng tỏ ra tha thiết với loại hình VTHKCC mới này, bởi xem đây là một trong những hướng giải quyết bài toán quá tải giao thông trên hệ thống giao thông đường bộ. Nói cách khác, Sở GTVT xác định các tuyến buýt đường sông là một kênh san sẻ gánh nặng cho vận tải công cộng đường bộ.

Hiện nay, Sở GTVT đang phối hợp với các sở, ngành liên quan thương thảo hợp đồng và dự kiến trong tháng 10 này sẽ tiến hành ký kết hợp đồng BOO với nhà đầu tư. Một khi đã ký kết hợp đồng, việc triển khai đầu tư xây dựng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ để đảm bảo đúng tiến độ lộ trình vạch ra là đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 2 vào dịp 2-9-2017 và đến đầu năm 2018 chính thức khai thác tuyến buýt đường sông số 1.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục