>> VietKings ra giá 200 triệu đồng để xác lập kỷ lục cho Sơn Đoòng
>> Đề cử kỷ lục thế giới cho hang Sơn Đoòng
Vừa qua, câu chuyện UBND tỉnh Quảng Bình từ chối nộp hồ sơ cũng như số tiền 200 triệu đồng được cho là chi phí để Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) xác nhận hệ thống hang Sơn Đoòng là 1 trong 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới đã gây sự chú ý của dư luận. Một lần nữa, câu chuyện về vấn đề tổ chức, ghi nhận các kỷ lục ở Việt Nam lại được nhắc đến.
Kinh phí cho kỷ lục
Câu chuyện bắt đầu khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) có công văn gửi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng về việc hướng dẫn làm hồ sơ để gửi đến WorldKings nhằm nhận được công nhận của tổ chức này về việc hang động Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, cũng như xếp hang động này vào danh sách 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Điểm nhấn quan trọng nhất của lần xác nhận kỷ lục này là sẽ xác nhận ông Hồ Khanh, công dân Việt Nam, là người đầu tiên phát hiện hang Sơn Đoòng vào năm 1991 chứ không phải là Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh phát hiện vào năm 2009.
Tuy nhiên, việc ai mới đúng là người phát hiện lại không phải là nguyên nhân của việc UBND tỉnh Quảng Bình từ chối để WorldKings xác nhận kỷ lục. Nguyên nhân thực sự của vấn đề là một bảng kinh phí gửi kèm theo hồ sơ.
Theo đó, số tiền dự kiến tỉnh Quảng Bình phải trả nếu Sơn Đoòng được WorldKings công nhận kỷ lục là vào khoảng 200 triệu đồng. Trong khi đó, hai lần Sách Kỷ lục Guinness (Guinness World Records) xác nhận Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới (2013 và 2015) đều không thu bất cứ một khoản phí nào.
Ngay sau đó, VietKings đã khẳng định bằng văn bản rằng đơn vị này không tiếp nhận bất kỳ một khoản nào trong số tiền trên. Số tiền 200 triệu đồng chủ yếu được dùng chi trả vé máy bay, ăn ở cho đại diện WorldKings gồm 2 người là Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký đến Quảng Bình trao bằng chứng nhận kỷ lục và các chi phí truyền thông, quảng bá cho sự kiện.
Đây chính là điểm khác biệt giữa WorldKings và Sách Kỷ lục Guinness vì Guinness chỉ xác nhận và đưa vào sách chứ không cấp chứng nhận cho các kỷ lục thuộc về tự nhiên. Có thể hiểu, số tiền 200 triệu đồng chính là để đổi lấy việc có được giấy xác nhận chính thức của một tổ chức quốc tế về một kỷ lục thế giới trong lĩnh vực tự nhiên, chưa kể đến việc tái xác nhận người phát hiện đầu tiên.
Tuy nhiên, WorldKings thành lập ở Ấn Độ năm 2002 không có uy tín và tầm ảnh hưởng thế giới như Sách Kỷ lục Guinness (Guinness World Records) ra đời từ năm 1951, nên việc lựa chọn trả phí hay không trong trường hợp này là tùy vào quan điểm của địa phương.
Câu chuyện xác lập kỷ lục ở Việt Nam
Không thể phủ nhận vai trò của việc xác lập kỷ lục trong vấn đề quảng bá tên tuổi, thương hiệu của cá nhân, địa danh… Hiện nay, ở Việt Nam chỉ duy nhất có VietKings đứng ra thẩm tra và xác nhận các kỷ lục.
Việc xác lập kỷ lục hiện theo một quy trình cụ thể từ đề cử đến việc trực tiếp tới nơi để thẩm tra, đo đếm để chứng minh đó là số liệu thật, tiến hành so sánh đối chiếu với các thông tin liên quan để quyết định việc xác lập.
Nếu kỷ lục liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn thì VietKings sẽ gửi văn bản đến Hội đồng Tư vấn VietKings gồm các các cộng tác viên là các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để tham vấn, trả lời dưới góc độ chuyên môn xem đề xuất kỷ lục này có đủ yếu tố, cơ sở để xác lập hay không.
VietKings thẩm định kỷ lục bánh xèo
Một trong những công việc quan trọng nhất mà VietKings còn phải làm là xây dựng hệ thống dữ liệu kỷ lục Việt Nam để giải đáp, tư vấn cho những cá nhân, tổ chức có nhu cầu lập kỷ lục như số liệu kỷ lục về nhiều nhất, dài nhất, đông nhất…
Một công việc khác của VietKings là gia nhập các tổ chức kỷ lục thế giới như WorldKings, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (WRA) để cùng chia sẻ thông tin. Trong trường hợp xác minh có kỷ lục Việt Nam đạt kỷ lục thế giới, VietKings sẽ hỗ trợ trong việc làm thủ tục để xác nhận.
Trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Trù được Worldkings và WRA xác nhận là cụ bà lớn tuổi nhất thế giới (122 tuổi) là điển hình. Do trục trặc ở việc xác nhận tuổi theo sinh học nên Guinness vẫn chưa công nhận nhưng việc hai tổ chức còn lại xác nhận đã giúp cụ Trù trở nên nổi tiếng thế giới.
Về chi phí để xác minh, xác nhận kỷ lục, theo ông Lê Trần Trường An, Giám đốc VietKings, thì những tác phẩm, sản phẩm, công trình kỷ lục mang tính phục vụ lợi ích xã hội, phục vụ cộng đồng, công tác từ thiện, kỷ lục được thực hiện bởi người khuyết tật mang tính ý chí kỷ lục đều không thu phí. Những kỷ lục có mang tính thương mại kinh doanh, quảng cáo cho những nhãn hàng, nhãn hiệu thì phải đóng chi phí.
Để kỷ lục trở thành công cụ quảng bá hữu hiệu
Như vậy, câu chuyện ở Quảng Bình có thể xem là một hoạt động bình thường trong việc quảng bá hình ảnh địa danh. Tùy theo nhu cầu mà đơn vị quản lý địa danh có thể đánh giá việc có cần hay không chi phí để phổ biến tên tuổi của địa phương.
Trên thực tế, dù Sách Guiness rất nổi tiếng nhưng chỉ thuần túy tập trung vào yếu tố “thứ nhất”, thỏa mãn tính tò mò của người đọc. Biết rõ không thể so sánh với Guiness ở lĩnh vực đó, các tổ chức kỷ lục khác đều xây dựng nội dung theo hướng chuyên sâu hơn về các giá trị như việc WorldKings xây dựng danh mục 100 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.
Ở Việt Nam, VietKings cũng đang đi theo con đường này, theo ông Trường An, hiện đơn vị đang ngày càng định hướng việc xác lập những kỷ lục mang giá trị nội dung, kỷ lục chứa đựng về chiều sâu văn hóa: “Trong 10 năm qua, ngoài việc xác lập các kỷ lục Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện những hành trình như Hành trình quảng bá ẩm thực, đặc sản Việt Nam; Hành trình quảng bá Top những điểm đến hấp dẫn ở Việt Nam; Hành trình Bách niên Trường thọ…”.
Rõ ràng những thông tin đó đóng góp không nhỏ trong việc hỗ trợ quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam đến với du khách quốc tế. Ngay trong sự kiện Sơn Đoòng, các trang web du lịch ngoài đưa thông tin dựa trên Guinness còn có các thông tin khác về ẩm thực, đặc sản, địa danh… của Quảng Bình từ các thông tin do VietKings xây dựng.
TƯỜNG VY