Chuyện về người “thả cờ” tháng 8-1945

Chuyện về người “thả cờ” tháng 8-1945

Năm 1944, Trần Lâm được giới thiệu kết nạp vào Việt Minh. Khi nghe nói mình sẽ được vào Việt Minh, Trần Lâm đã ngớ người ra và nói với các đồng chí: “Tớ tưởng tớ đã ở trong Việt Minh rồi”. Ông kể lại, đối với nhiều thanh niên trí thức hồi đó, việc tham gia tuyên truyền cho Việt Minh như một việc làm đương nhiên, nên suy nghĩ đơn giản lắm.

Chuyện về người “thả cờ” tháng 8-1945 ảnh 1

Ông Trần Lâm

Năm 1945, phong trào Việt Minh lên rất mạnh, các hoạt động tuyên truyền, nói chuyện về sự tàn ác của phát xít Nhật diễn ra khắp nơi, đội tuyên truyền của Trần Lâm có nhiệm vụ đến những chỗ đông người như chợ Đồng Xuân, trường Bưởi... kêu gọi mọi người tham gia Việt Minh, kháng Nhật cứu nước.

Nhân dân rất hào hứng nghe những buổi nói chuyện của các tuyên truyền viên: ban đầu thường chỉ có vài ba người nhưng sau đó đám đông thường lên đến hàng chục, hàng trăm. “Bọn tay sai vẫn còn nhưng chúng giấu mặt nên khi mình nói chuyện với quần chúng về tinh thần yêu nước thì bọn chúng không dám làm gì, mình có cái thế của mình, tuy bất hợp pháp mà lại thành hợp pháp.

Tuy nhiên, sau mỗi buổi nói chuyện như vậy (thường chỉ kéo dài khoảng 15-30 phút) mình phải “rút” thật nhanh”, ông hào hứng kể.

Tháng 8-1945, những thông tin về việc phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng Minh đã lan rất nhanh, không khí đấu tranh chống phát xít Nhật của nhân dân thủ đô dâng lên rất cao. Biết được thông tin ngày 17-8, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh tại quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, Việt Minh đã quyết định táo bạo là biến cuộc mít tinh đó thành cuộc mít tinh của mình nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa. Tổ của Trần Lâm cũng được giao một phần nhiệm vụ.

14 giờ ngày 17-8, cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức diễn ra với sự tham gia của hàng vạn người. Khi vị chủ trì chưa kịp tuyên bố lý do thì bất ngờ một lá cờ đỏ sao vàng “khổng lồ” có kích thước khoảng 6m x 9m được thả xuống phủ kín từ tầng 2 của Nhà hát lớn xuống đến đất.

Bọn Nhật và tay sai ngỡ ngàng còn hàng vạn người khác thì vỗ tay và hoan hô như sấm, rất nhiều lá cờ đỏ sao vàng cũng được tung ra. Cuộc mít tinh bỗng chốc trở thành diễn đàn của Việt Minh.

Ngay sau đó, cuộc tuần hành diễn ra rầm rộ trên phố các Tràng Tiền, Hàng Đào, quanh hồ Hoàn Kiếm... rồi về Cửa Nam... Đoàn biểu tình đi đến đâu cũng đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người dân thủ đô. Một trong 2 người tham gia “thả cờ” và tạo ra một sự kiện lịch sử vĩ đại năm xưa đó là Trần Lâm.

Sau sự kiện ấy, cái tên Trần Lâm được nhắc đến nhiều và cuộc đời ông cũng bước sang trang mới cùng với dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn chặt với lịch sử phát triển của nền báo chí phát thanh-truyền hình Việt Nam.

Đã 60 năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến sự kiện lịch sử này, ông Trần Lâm vẫn cho đó là việc làm bình thường của những người yêu nước trong hoàn cảnh nước mất nhà tan. Tuy vậy, trong giọng kể của ông, người ta vẫn nhận ra “có cái gì đấy” rất đỗi tự hào.

Câu chuyện của ông, tôi đã từng nghe, từng đọc nhưng lần này trở lại gặp ông tại nhà số 5 Trần Phú (quận Ba Đình), cảm xúc trong câu chuyện về lần “thả cờ” năm đó của ông vẫn mang đến cho tôi những điều mới lạ trong tư duy, trong nhận thức. Những xúc cảm cách mạng vẫn cháy bỏng, vẫn tuôn trào trong con người ông.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục