CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

Theo CIA, mọi nỗ lực của Mỹ đối với ông Ngô Đình Diệm trong năm 1955, cũng như sau này đối với tướng Minh, tướng Khánh chỉ có kết quả kéo dài một tình trạng không tránh được là sụp đổ.
CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn - Kỳ 2: CIA sau đảo chính ông Diệm

Theo CIA, mọi nỗ lực của Mỹ đối với ông Ngô Đình Diệm trong năm 1955, cũng như sau này đối với tướng Minh, tướng Khánh chỉ có kết quả kéo dài một tình trạng không tránh được là sụp đổ.

Đại sứ Cabot Lodge và “ông tướng ngây thơ”

Một ngày sau đảo chính, ông Bùi Diễm, một chính trị gia gốc đảng Đại Việt có nhiều quan hệ với CIA cho CIA biết các tướng đảo chính sẵn sàng nghe lời khuyến cáo của CIA trong việc xây dựng chế độ mới. Nhưng Đại sứ Cabot Lodge không muốn CIA quan hệ quá cận kề với các ông tướng.

Thêm nữa, mới mấy ngày đầu, giữa tòa đại sứ Mỹ và tướng Minh đã có sự bất hòa. Tòa đại sứ Mỹ yêu cầu trả tự do cho ông Trần Quốc Bửu, một lãnh tụ Nghiệp đoàn Lao công nhưng ông Minh không đồng ý. Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ, bạn của tướng Minh, can thiệp với ông Minh cũng không có kết quả.

Ngày 4-11-1963, do sự khẩn khoản của tướng Trần Văn Đôn, Đại sứ Lodge cho phép CIA thuyết trình với tướng Minh về các chương trình “mật” mà CIA đang tiến hành và CIA muốn nhân cơ hội này cố vấn tướng Minh về một số vấn đề chính trị. Nhưng Đại sứ Lodge chỉ cho phép CIA cố vấn trong lĩnh vực tình báo và an ninh thôi. Trưởng cơ sở tạm thời của CIA ở Sài Gòn là David Smith sau này nhớ lại việc này cho rằng sự hạn chế của Đại sứ Lodge đã làm mất một cơ hội tốt cho CIA, giúp chính quyền quân nhân đặt một nền móng chính trị cho chế độ mới.

Theo các báo cáo hàng ngày CIA gửi về Tổng hành dinh CIA ở Langley (bang Virginia gần thủ đô Washington D.C.) thì sau đảo chính không khí chính trị Sài Gòn rất bấp bênh vì thiếu lãnh đạo. Tướng Dương Văn Minh có uy tín hơn các tướng khác nhưng chỉ đủ để giữ các ông tướng đảo chính và các chính trị gia ngồi làm việc với nhau. CIA miêu tả tướng Minh như một quân nhân kín đáo và “đơn giản đến độ thơ ngây về chính trị” như ông Mohammad Naguib, Tổng thống đầu tiên của Ai Cập (6-1953 - 11-1954). CIA đặt một câu hỏi giả tưởng: “Nếu tướng Minh là Naguib thì ai sẽ là Nasser (người lật đổ ông Naguib và trở thành tổng thống thứ hai của Ai Cập) của ông Minh?”. Và câu hỏi đã trở thành sự thật.

Ngoài tướng Minh, CIA còn nhức đầu với tướng Tôn Thất Đính. Tướng Đính yêu cầu CIA cho Đại tá Gilbert Layton về nước vì ông này là cố vấn của Đại tá Lê Quang Tung. Trong khi đó, Phó Giám đốc CIA Richard Helms ngỏ ý muốn Đại tá Lucien Conein, người liên lạc với hội đồng tướng lĩnh trong vụ đảo chính nên rời nước một thời gian nhưng David Smith cho rằng Conein còn cần trong nhiệm vụ liên lạc và kiềm chế các tướng lĩnh tại Sài Gòn. Ngày 5-11-1963, William Colby, người phụ trách Cục Viễn Đông tại Langley đến Sài Gòn và có nhiều cuộc tiếp xúc chính trị với các tướng lĩnh, một công việc mà Đại tá Conein không đủ kinh nghiệm để làm.

Qua chuyến công tác, ông Colby báo cáo về Langley rằng Đại sứ Cabot Lodge muốn chỉ huy mọi chuyện ở Sài Gòn theo ý ông. Trước đây, Đại sứ Lodge đã thuyên chuyển John Richardson, trưởng cơ sở CIA ở Sài Gòn và nay  muốn vận động để thay tướng Paul Karkins, người cầm đầu phái bộ hỗ trợ quân sự của Mỹ tại Việt Nam (MACV). Richardson và tướng Paul Harkins đều muốn được tự do hơn trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Lúc này, tướng Khánh bất mãn với các tướng đảo chính. Tướng Khánh vốn là người đầu tiên yêu cầu CIA nên sẵn sàng cho một kế hoạch đảo chính ông Diệm, nhưng sau đó CIA chọn tướng Trần Văn Đôn làm người liên lạc chính.

Đại sứ Cabot Lodge (bên phải) và tướng Dương Văn Minh. Ảnh: TƯ LIỆU
Đại sứ Cabot Lodge (bên phải) và tướng Dương Văn Minh. Ảnh: TƯ LIỆU

Cuộc đảo chính thanh trừng phe trung lập

Kể từ ngày Tổng thống Kennedy nhậm chức cho đến khi bị ám sát tại Dallas (22-11-1963), lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam tăng từ 875 người lên đến 16.000 người. Nhân viên dân sự, kể cả nhân viên CIA, cũng tăng theo đà tăng quân số nhưng đã không làm cho tình hình miền Nam sáng sủa hơn. Tổng thống Johnson thay Kennedy cương quyết giải quyết tình trạng bế tắc. Cuối tháng 12-1963, ông gửi một phái đoàn gồm Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Giám đốc Trung ương tình báo John A.McCone đến Sài Gòn. Tổng thống Johnson yêu cầu John McCone bổ nhiệm một nhân vật đủ trọng lượng để thay trưởng cơ sở CIA tại Sài Gòn John Richardson (đã rời Sài Gòn và Phó cơ sở David Smith tạm thời thay thế). John McCone chọn Peer de Silva. Trước khi Peer de Silva rời Washington đi Sài Gòn nhậm chức, Tổng thống Johnson mời ông này đến Nhà Trắng vào phút chót dặn dò rằng đừng quên năm tới (1964) là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Tổng thống Johnson không muốn thấy tòa đại sứ và cơ sở tình báo cứ chống lại nhau như giữa Lodge và Richardson. Ngày 7-12-1963, Tổng thống Johnson điện cho Đại sứ Lodge rằng ông muốn thấy một mối quan hệ làm việc tốt đẹp giữa đại sứ và tân trưởng cơ sở.

Ngày 18-12-1963, phái đoàn McNamara đến Sài Gòn. CIA báo cáo Hội đồng quân nhân bất lực vì chia rẽ và tham nhũng và lực lượng Cộng sản mạnh hơn trước. McCone kết luận rằng tình hình sống còn của miền Nam rất mong manh và những gì được báo cáo về Washington những năm trước đây đều xa với sự thật.

Trước tình hình đó, các tướng vẫn không ngừng chia rẽ và hất cẳng nhau. Giữa tháng 12-1963, tướng Dương Văn Minh thuyên chuyển tướng Nguyễn Khánh ra Vùng I chiến thuật ở Đà Nẵng. Đầu tháng 1-1964 tướng Minh tự phong làm Tổng tư lệnh quân đội. Hai tuần sau, CIA nhận được một báo cáo của Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt (người thay Đại tá Lê Quang Tung) rằng tướng Trần Văn Đôn có thảo luận giải pháp trung lập hóa miền Nam Việt Nam với một giới chức người Pháp đang thăm viếng Sài Gòn. Trước tin này, CIA không có động tĩnh gì vì vắng hai nhân vật chính yếu là Al Spera, nhân viên CIA liên lạc với tướng Khánh (và đã được tướng Khánh cho biết dự định đảo chính) và Lucien Conein. Al Spera bị đổi về Mỹ vì tính tình nóng nảy khó làm việc với người khác. Còn Lucien Conein thì được bộ Ngoại giao triệu về Washington để tham khảo. Conein đề nghị nên phái cho mỗi vị tướng đảo chính một cố vấn Mỹ làm việc trực tiếp dưới quyền đại sứ Mỹ. Đại sứ Lodge bác bỏ ý kiến này.

Khi Peer de Silva đến Sài Gòn, tướng Khánh muốn gặp để thông báo tin tức mà ông có về vụ các tướng âm mưu trung lập hóa miền Nam nhưng Peer de Silva chần chừ chưa muốn gặp. Tướng Khánh bèn chuyển tin cho một người quen cũ là Đại tá Jasper Wilson thuộc phái bộ MACV rằng Chính phủ Pháp đang vận động trung lập miền Nam qua tướng Mai Hữu Xuân, vốn là một nhân vật tình báo của Pháp. Cùng với các nguồn tin khác, Peer de Silva báo cáo âm mưu trung lập về Washington. Ngày 29-1, tướng Khánh cho Đại tá Wilson biết thêm rằng ngoài tướng Mai Hữu Xuân, hai tướng Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim cũng theo phe trung lập và tướng Khánh cho biết sẽ dùng vũ lực để bẻ gãy âm mưu này. Đại sứ Lodge (khi được Đại tá Wilson báo cáo) điện tin này về Washington và thông báo ngay cho tướng Harkins. Riêng Peer de Silva chỉ được thông báo sau khi CIA vặn hỏi tòa đại sứ mục đích của tướng Khánh khi gặp đại tá Wilson.

Vào lúc 3 giờ 15 sáng 30-1-1964, Đại tá Wilson từ bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù thông báo với tòa đại sứ rằng tướng Khánh cùng tướng Trần Thiện Khiêm sẽ làm đảo chính trong vòng vài giờ nữa để loại các tướng trung lập ra khỏi thành phần chính phủ, và rằng tướng Minh đã được thông báo và đồng ý. Cuộc đảo chính (gọi là chỉnh lý) đã diễn ra như dự tính (của tướng Khánh và CIA). Năm tướng trung lập Xuân, Kim, Đôn, Đính và Nguyễn Văn Vỹ bị bắt và được quản thúc tại gia ở Đà Lạt. Tướng Minh tạm thời được giữ lại ở chức vụ tổng thống.

Thất vọng

Sau chỉnh lý không lâu, CIA nhận ra rằng tướng Khánh không có khả năng huy động quân đội và quần chúng đoàn kết lại để ngăn chặn Cộng sản, do đó CIA chuyển nỗ lực qua việc tuyển mộ và làm quen với các sĩ quan hay nhân viên dân sự cấp dưới - những người không tuyệt đối trung thành với Khánh để chuẩn bị thế hành động về sau. Một trong những sĩ quan đó là Đại tá Không quân Nguyễn Cao Kỳ, vừa mới nhận chức Tư lệnh Không quân. CIA miêu tả Kỳ là một sĩ quan thích “bề ngoài” nhưng có khả năng lôi cuốn quần chúng. Tháng 2-1964, Kỳ nói với Russ Miller - một nhân vật CIA đang ở thăm Sài Gòn rằng các sĩ quan trẻ cần được giao các chức vụ chỉ huy xứng đáng, nếu không chế độ của tướng Khánh cũng sẽ có cùng số phận như chế độ Dương Văn Minh!

Người khác là tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tham mưu trưởng liên quân. Thiệu là người kín đáo, âm thầm bổ nhiệm các sĩ quan gốc Đại Việt vào các chức vụ quan trọng và giải thích với David Smith rằng các sĩ quan này có kinh nghiệm và khả năng phá hủy tổ chức của Cộng sản. Nhưng CIA biết rằng tướng Thiệu muốn dùng các sĩ quan Đại Việt để âm mưu lật ông Khánh.

Như từng làm đối với tướng Minh, Peer de Silva thuyết trình cho tướng Khánh các chương trình của CIA về bình định và tình báo. Khánh đồng ý với chương trình bình định và ủy nhiệm Phó Thủ tướng Nguyễn Tôn Hoàn (Đại Việt) làm việc với CIA về chương trình bình định. Ông Nguyễn Tôn Hoàn có những quan hệ đặc biệt với CIA từ giữa thập niên 50. Peer de Silva cho Khánh biết CIA cũng đang làm việc với các chính trị gia đối lập không Cộng sản và khuyên tướng Khánh không nên lo ngại gì vì mục đích của CIA là nắm bắt không khí chính trị tại Sài Gòn. Cũng do yêu cầu của tướng Khánh, CIA huấn luyện toán vệ sĩ bảo vệ tướng Khánh.

Theo đánh giá của CIA, tướng Khánh thông minh, năng động và có tài tổ chức, nhưng ông không làm được việc gì vì một phần do không khí chia rẽ tại Sài Gòn, một phần vì “cái tôi” của ông quá lớn. Trong bối cảnh đó, tướng Khánh - cũng như ông Diệm và ông Minh - chỉ biết trông cậy vào sự ủng hộ của người Mỹ…

Câu hỏi đối với CIA là: Giúp tướng Minh, rồi giúp tướng Khánh, Mỹ có làm cho các tướng đoàn kết với nhau và có huy động được sự ủng hộ của quần chúng miền Nam trong công cuộc chống Cộng không? Câu trả lời hình như là “không”. Theo CIA, mọi nỗ lực của Mỹ đối với ông Ngô Đình Diệm trong năm 1955, cũng như sau này đối với tướng Minh, tướng Khánh chỉ có kết quả kéo dài một tình trạng không tránh được là sụp đổ.


Kỳ 3: “Ngôi sao” Thiệu - Kỳ xuất hiện

TRẦN BÌNH NAM (P.Tr lược trích và giới thiệu)

Thông tin liên quan:

>> CIA và các tướng lĩnh Sài Gòn. Kỳ 1: Vai trò của CIA trong cuộc chiến Việt Nam

Tin cùng chuyên mục