“CNXH thế kỷ 21” ở khu vực Mỹ Latinh

“CNXH thế kỷ 21” ở khu vực Mỹ Latinh

Thắng lợi liên tục của các đảng cánh tả trong 10 năm qua đã giúp khu vực Mỹ Latinh có những động thái tích cực trong đời sống chính trị theo xu hướng tiến bộ, hướng tới mục tiêu Chủ nghĩa xã hội (CNXH) theo mô hình thế kỷ 21. Đây là hiện tượng tích cực của chính trị thế giới trong những năm đầu của thế kỷ 21 và đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.

  • Phía Nam của Tây bán cầu sôi động với “CNXH thế kỷ 21”

Trong 9 quốc gia do lực lượng cánh tả cầm quyền sau các cuộc bầu cử ở Mỹ Latinh,  có 4 quốc gia công khai đi theo con đường XHCN, hướng tới sự công bằng, bình đẳng, tự do cho mọi người. Sự kiện này không chỉ tiếp tục đánh dấu sự đổi màu trên bản đồ chính trị thế giới với sự trỗi dậy của làn sóng tư tưởng thiên tả từ Venezuela, Chile, Argentina, Bolivia tới Brazil, Nicaragua, Ecuador… mà còn chứng tỏ một xu hướng mới đang hình thành ở khu vực này - xu hướng đi lên CNXH.

Tuy nhiên, mô hình CNXH đang trỗi dậy mạnh mẽ hiện nay ở Mỹ Latinh là mô hình “CNXH thế kỷ 21”- một khái niệm do Tổng thống Venezuela Hugo Chavez phát triển với mục tiêu hướng tới lý tưởng bình đẳng, công bằng xã hội và xóa bỏ sự đói nghèo mà đại bộ phận nhân dân đất nước Nam Mỹ này phải gánh chịu. CNXH thế kỷ 21 đã được thực hiện đầu tiên ở nhóm các nước gồm Venezuela, Bolivia, Ecuador… mà Venezuela mang vai trò đầu tàu.

CNXH thế kỷ 21 sẽ không giống với mô hình CNXH ở Liên Xô trước đây, vẫn xem tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng, nhưng kết hợp với tư tưởng Simon Bolivar (người anh hùng giải phóng của Venezuela) và các tư tưởng tiến bộ khác ở Mỹ Latinh, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Theo ông Chavez, CNXH thế kỷ 21 ở Mỹ Latinh phải xuất phát từ thực tế của Mỹ Latinh.

“CNXH thế kỷ 21” ở khu vực Mỹ Latinh ảnh 1

Ông Hugo Chavez vẫy chào người ủng hộ tại điểm bỏ phiếu ở thủ đô Caracas ngày 23-11.

Sau khi đổi tên nước thành Cộng hòa Bolivar Venezuela, Tổng thống Chavez đã tiến hành một loạt cải cách khá mạnh mẽ về thể chế - luật pháp, đặc biệt là luật đất đai có lợi cho người nghèo; quốc hữu hóa nhiều công ty tư bản; tiến hành cải cách xã hội bằng nhiều chiến dịch: xóa nạn mù chữ, xóa đói giảm nghèo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng thêm nhiều trường học, cải thiện dịch vụ y tế... Cạnh đó là những cải cách khá mạnh mẽ để chấm dứt chế độ bóc lột đối với nông nghiệp và nông dân.

Nền kinh tế thị trường mang màu sắc XHCN, chú trọng việc tái phân bổ thu nhập và phúc lợi xã hội. Những chương trình xã hội đó mang lại kết quả khả quan, có năm (2004) kinh tế tăng trưởng tới 18%, hơn 1 triệu người thoát nạn mù chữ, hàng chục ngàn gia đình có nhà ở... Những cải cách mạnh mẽ và khuynh hướng XHCN đã được nhân dân ủng hộ và thực tế đó đã xác định xu hướng XHCN thế kỷ 21 của Venezuela.

Mới đây, Venezuela vừa ký với Iran thỏa thuận thành lập “Trường Đại học Các nền văn minh” tại thủ đô Caracas nhằm giảng dạy CNXH thế kỷ 21. Trường đại học này cũng sẽ giảng dạy “những tư tưởng Simon Bolivar” và tồn tại theo hình thức miễn học phí. Hai bên sẽ bàn thảo các bước triển khai dự án này và thảo luận chương trình giảng dạy với các giáo sư được chọn lựa theo tiêu chí trên.

  • Sự trỗi dậy từ thất bại của mô hình tự do kinh tế mới

Theo các nhà quan sát, có thể nói sự thất bại của mô hình tự do kinh tế mới trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế mà các thế lực bên ngoài muốn áp đặt cho khu vực này đã dẫn đến sự trỗi dậy của CNXH thế kỷ 21 ở Mỹ Latinh. Mô hình tự do kinh tế mới đã không giải quyết được các vấn đề kinh tế - xã hội, không đáp ứng được các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đông đảo quần chúng trong khu vực và đã đưa đến nghèo khổ và thất vọng cho đa số. Có đến 224 triệu trong số 500 triệu dân Mỹ Latinh rơi vào nghèo đói, 90 triệu dân sống dưới mức nghèo khổ; 50 triệu người mù chữ và các quốc gia thì đang nợ nần chồng chất…

Vì vậy, nhu cầu cải cách dân chủ vì độc lập, bình đẳng trong phát triển và dân sinh trở thành một khát vọng thường trực của nhân dân khu vực Mỹ Latinh. Chính hoàn cảnh bần cùng này đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành các phong trào xã hội và củng cố sức mạnh của phong trào nhân dân.

Nhờ đưa ra những chính sách ưu việt hơn, cánh tả tại khu vực này đã giành được thiện cảm của các tầng lớp xã hội thiệt thòi nhất. Một trong những chính sách được lòng dân của chính phủ cánh tả, điển hình là Venezuela và Bolivia, tiến hành là quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước để chống đói nghèo bất chấp phản ứng tiêu cực của phương Tây.

Sự lớn mạnh của phong trào cánh tả Mỹ Latinh là do các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh đã biết liên kết với nhau trên nhiều lĩnh vực, đã hỗ trợ và tạo nhiều lực hấp dẫn hướng các nước Mỹ Latinh khác đi theo mục tiêu XHCN. Các nước khu vực Mỹ Latinh có rất nhiều mối quan hệ mật thiết với nhau trên các phương diện, đặc biệt về kinh tế mà tiêu biểu là khối MERCOSUR, với các hiệp định thương mại song phương giữa các nước.

Bên cạnh nguyên tắc hợp tác bình đẳng và đôi bên cùng có lợi, xuất hiện nhiều quan hệ vượt lên trên lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, Cuba từng tình nguyện giúp đỡ nhiều nước Mỹ Latinh về giáo dục, y tế, khoa học... còn Venezuela thì khẳng khái hỗ trợ nhiều nước như Cuba, Nicaragua... bằng việc bán dầu lửa giảm giá 50% - 70% so với giá thị trường.

Đó là việc các nhà lãnh đạo của 3 nước Mỹ Latinh là Bolivia, Cuba và Venezuela đã ký Hiệp định thương mại ba bên - ALBA - nhằm trao đổi thương mại và hỗ trợ nhau cùng phát triển, một mô hình mới của sự hợp tác khu vực nhằm đối trọng với khu vực Mậu dịch tự do châu Mỹ (FATT). Khối ALBA còn là một liên minh chính trị - tư tưởng, theo đó không chỉ theo đuổi các mục tiêu thương mại, các bên cam kết sẽ cùng hợp tác để tiến tới xóa bỏ mù chữ và tăng việc làm.

Sự thay đổi xu hướng chính trị ở Mỹ Latinh đang là một hiện tượng tích cực của chính trị thế giới trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Nếu tính cả Cuba, 10 nước Mỹ Latinh và động thái tích cực trong đời sống chính trị của họ đang làm nên một xu hướng mới ở Tây bán cầu. Tuy nhiên, các đảng phái đối lập ở nhiều nước vẫn còn thế lực, chưa chịu nằm yên và Mỹ thì chưa thể để ngỏ cái “sân sau” của mình. Do vậy, vẫn còn nhiều thách thức chờ đợi trên con đường CNXH thế kỷ 21 của các nước khu vực Mỹ Latinh.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục