LTS: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vừa ký chứng thực Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015; Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012; Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 cấp quốc gia. Báo SGGP xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Năm 2015: Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% - 7%
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 nêu rõ, trong 2 - 3 năm đầu kế hoạch, tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và khởi động mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 2 - 3 năm tiếp theo, bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Nghị quyết đề ra 9 giải pháp thực hiện, trong đó đầu tiên là khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Tiếp đến, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản xuất chủ yếu với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể. Trong đó tập trung cơ cấu đầu tư công, thị trường tài chính, doanh nghiệp. Tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền.
Các chỉ tiêu cụ thể như GDP bình quân 5 năm tăng khoảng 6,5% - 7%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011 - 2015 khoảng 33,5% - 35% GDP; giảm dần nhập siêu từ 2012, phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào 2015; nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5% - 7% vào 2015; thu nhập thực tế của dân cư đến 2015 gấp 2 - 2,5 lần so với 2010.
2012: Ưu tiên hàng đầu kiềm chế lạm phát
Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 nêu rõ mục tiêu tổng quát của năm sau là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Quốc hội cũng đề ra 9 giải pháp thực hiện. Trong đó nêu rõ, giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.
Nghị quyết cũng nêu, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý để thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Chủ động kiểm soát giá. Năm 2012 cũng sẽ thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, tập trung tổng kết việc thực hiện thi thành và xây dựng các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…
Các chỉ tiêu cụ thể: GDP tăng khoảng 6% - 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%...
Giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa
Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2015 cấp quốc gia chỉ rõ, đất trồng lúa đến năm 2020 là 3,812 triệu ha, kế hoạch 5 năm là 3,951 triệu ha; đất phi nông nghiệp đến năm 2020 là 4,88 triệu ha, theo kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 - 2025 cấp quốc gia là 4,448 triệu ha..
Nghị quyết Quốc hội cũng chỉ rõ phải xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quy hoạch phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Việc sử dụng đất cho mục đích sản xuất phi nông nghiệp phải theo quy hoạch, tiết kiệm, hiệu quả...
Phan Thảo