Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước phải rõ ràng hơn

Ngày 4-10, tại Hà Nội, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa VIII) góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục diễn ra dưới dự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng...

Ngày 4-10, tại Hà Nội, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 6 (khóa VIII) góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tiếp tục diễn ra dưới dự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn, tâm huyết, cụ thể, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng...

Mọi chuyện dân biết cả...

Ông Tráng A Pao, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận xét, văn kiện xác định tập trung vào công tác xây dựng Đảng, vấn đề đạo đức cán bộ, đảng viên... Đó là trọng tâm đúng, vì đạo đức trong Đảng và xã hội đang có biểu hiện xuống cấp. Khi tập trung vào công tác xây dựng Đảng, cần xác định rõ về “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất”. Cụ thể, cần xác định được qua một thời gian chỉnh đốn Đảng, tỷ lệ “một bộ phận không nhỏ” này đã giảm được bao nhiêu phần trăm, kết quả chỉnh đốn đã đạt đến đâu? Theo ông Tráng A Pao, giải pháp kê khai tài sản cán bộ hiện nay đang bị dân đánh giá là hình thức, vì kê khai xong thì không có thẩm tra, xác minh. Nếu 5 năm tới mà công tác xây dựng Đảng cũng như vậy thì không thể giải quyết được, bởi thực tế có cán bộ, đảng viên chỉ kê khai một phần tài sản của mình. Đặc biệt, phải có hình thức để nhân dân giám sát.

Ông Lù Văn Que, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thẳng thắn: Đã có ý kiến nhận xét, Đảng ta đông (khoảng 4 - 5 triệu đảng viên) nhưng không mạnh. Thể hiện không mạnh là chưa thực sự dân chủ, chưa thực sự đoàn kết; chưa vạch mặt chỉ tên được ai trong “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất”; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí; chưa khắc phục được nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và quốc tế… Ông Lù Văn Que thẳng thắn đề nghị, để làm được việc này, Đảng phải tiếp tục và kiên quyết thực hiện tốt Nghị quyết 4 của Hội nghị Trung ương Đảng khóa XI. Đảng tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song Đảng cần quy định cụ thể về chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để dân tham gia xây dựng Đảng. Muốn phòng chống được tham nhũng, lãng phí cũng phải phát động dân tham gia. Đồng thời phải kiểm soát được quyền lực dân giao, phải chống tham vọng và tha hóa quyền lực. Ngay tại Đại hội XII của Đảng, phải dân chủ bầu được các Ủy viên Trung ương Đảng có đủ tiêu chuẩn; kiên quyết không để lọt vào BCH Trung ương Đảng những người vi phạm 1 trong 9 khuyết điểm như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị 11 của Trung ương Đảng khóa XI.

Chưa có sự đột phá?

Một điểm chung là nhiều ý kiến bày tỏ sự đáng tiếc khi mà dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XII vẫn chưa có nội dung nào đột phá, vốn là điều mà nhân dân đang rất mong mỏi. Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, trong nhiệm kỳ tới của Đảng, cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước phải rõ ràng hơn. “Vì hiện nay không chỉ chạy chức chạy quyền mà đã có tình trạng mua bán chức quyền. Đại hội Đảng khóa này cần thực hiện được việc kiểm soát quyền lực” - ông Truyền nhấn mạnh.

Ông Võ Sỹ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học, cho rằng, dự thảo chưa đề cập những đột phá về GD-ĐT và KH-CN. Vấn đề rất quan trọng hiện nay là hội nhập quốc tế, nhưng chúng ta cũng mới chỉ quan tâm đến hội nhập chính trị, kinh tế mà chưa thực sự quan tâm đến hội nhập quốc tế về GD-ĐT và KH-CN. Để kinh tế phát triển cần phải quan tâm đến vấn đề này, bởi nếu không sẽ không phát triển được nguồn nhân lực và sẽ tụt hậu. “Tại sao trước chúng ta phát triển kinh tế nhanh hơn, còn bây giờ chững lại? Có phải vì trước đây chúng ta bán tài nguyên, huy động nhân công giá rẻ, còn hiện nay khi hết tài nguyên, nhân công giá rẻ thì bị chững lại? Nếu không có đột phá thì không thể phát triển. Phải hết sức chú ý điều này” - ông Võ Sỹ Tuấn nói.

GS Phạm Thị Trân Châu, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học, giáo dục và môi trường, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặt vấn đề: Nếu muốn hội nhập quốc tế thực sự, phải có sự đột phá về công tác nhân sự. Tức là phải lấy tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu công việc là chính, sau đó mới tính đến tuổi tác, kinh nghiệm. Phải khắc phục ngay hiện tượng cào bằng trong bổ nhiệm nhân sự của cơ quan nhà nước. “Tôi đã nói chuyện với nhiều bạn trẻ học ở nước ngoài về, họ nói không thể chấp nhận được môi trường làm việc ở cơ quan nhà nước” - GS Phạm Thị Trân Châu cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, MTTQ sẽ tiếp thu các ý kiến, tập hợp đầy đủ để gửi đến các cơ quan của Đảng. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đăng ký làm việc với Bộ Chính trị, Ban Bí thư về ý kiến chính thức của MTTQ đối với văn kiện của đại hội. Đặc biệt, để việc góp ý cho văn kiện thực sự chất lượng, Mặt trận sẽ tổ chức thảo luận góp ý theo 4 chủ đề: phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam trong giai đoạn cạnh tranh và hội nhập; phát huy dân chủ, giám sát phản biện phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Mặt trận sẽ tìm cách để cùng nhân dân phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phòng chống tham nhũng.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục