Để tập trung phát triển 11 ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn

Cơ chế tài chính sẽ thoáng và mở hơn

Bộ Công nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong giai đoạn 2006-2010 có tính đến tầm nhìn 2020 và các chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ. Đây là những ngành then chốt giúp công nghiệp (CN) Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn tới đây.
Cơ chế tài chính sẽ thoáng và mở hơn

Bộ Công nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề án Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn trong giai đoạn 2006-2010 có tính đến tầm nhìn 2020 và các chính sách khuyến khích phát triển đồng bộ. Đây là những ngành then chốt giúp công nghiệp (CN) Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trong giai đoạn tới đây.

  • 8 ưu tiên, 3 mũi nhọn
Cơ chế tài chính sẽ thoáng và mở hơn ảnh 1

Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô cần được tập trung phát triển.
Ảnh: D.N.

Cho đến nay, các ngành CN Việt Nam vẫn giữ vai trò to lớn trong tổng thu nhập nội địa (GDP). Năm nay, tốc độ tăng trưởng CN của cả nước có khả năng đạt trên 16%. Chính tốc độ của ngành CN tăng trưởng cao góp phần đưa tăng trưởng kinh tế cả nước đạt kế hoạch dự kiến khoảng 8,2%.

Ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Thường trực Bộ CN cho biết, mặc dù vậy, ngành CN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi hội nhập. Thứ nhất, quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ bé, chưa có doanh nghiệp nào có tầm cỡ được đứng vào doanh nghiệp lớn trên thế giới. Thứ hai, trình độ công nghệ và thiết bị còn lạc hậu nên năng suất và chất lượng chưa cao, giá thành chưa mang tính cạnh tranh và đặc biệt là hàng có thương hiệu Việt, vẫn còn khiêm tốn.

Trong những năm qua, ngành CN chủ yếu phát triển trên nền tảng có sẵn, do nguồn vốn đầu tư có hạn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, không phát huy sức mạnh. Riêng ngành dệt may trong nhiều năm vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh công nghệ và thiết bị sản xuất các loại vải chủ lực để phục vụ cho may xuất khẩu. Đó là chưa nói đến đa dạng hóa sản phẩm nguyên liệu vải theo mùa thời trang.

Trong khi đó, những ngành CN công nghệ cao tuy phát triển khá mạnh trong thời gian qua nhưng tỷ trọng còn thấp, do vậy chưa phát huy tối đa hiệu quả và chưa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung. Sau khi xem xét các nguồn lực và phát huy thế mạnh hiện có, cũng như các thị trường tiềm năng, Bộ CN đã đệ trình lên Chính phủ phát triển 8 ngành ưu tiên gồm dệt may, da giày, nhựa, tiểu thủ CN, đồ gỗ, chế biến nông-lâm-thủy hải sản, thép, khai thác bô xít nhôm, hóa chất; và ba ngành mũi nhọn là cơ khí chế tạo, thiết bị điện tử - viễn thông và sản phẩm từ công nghệ mới.

  • Chính sách phát triển, phù hợp WTO

Theo đó, đến năm 2010, các sản phẩm dệt may và da giày sẽ tiếp tục được phát triển với tốc độ cao để tăng kim ngạch xuất khẩu, giải quyết việc làm. Các ngành sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ khẳng định thương hiệu Việt và có uy tín tại thị trường trong nước và quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm. Đối với ngành nông lâm chế biến thủy hải sản được tập trung áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tự động hóa trong các khâu từ sản xuất, thu hoạch đến chế biến.

Ngành thép phát triển công nghệ luyện kim công nghệ cao, và làm tiền đề phát triển ngành cơ khí chế tạo máy và cơ khí chính xác, được coi là ngành CN chủ lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Ông Khu còn cho rằng, ngay cả trong việc tập trung khai thác và chế biến bô-xit nhôm cũng cần phải theo hướng đầu tư công nghệ khai thác và chế biến hiện đại để giảm tổn thất tài nguyên và nâng cao giá trị sản phẩm.

Để biến bức tranh trên thành thực hiện, ngành CN đã trình Chính phủ cho áp dụng một số chính sách đặc biệt. Những chính sách này đã được rà soát và đối chiếu phù hợp với các quy định của WTO. Về tài chính, các ngành CN ưu tiên và mũi nhọn sẽ được ưu tiên phân bổ vốn ngân sách, vốn tín dụng nhà nước, nguồn vốn ODA đối với các dự án phát triển vùng nguyên liệu phụ cho các ngành sản xuất.

Những dự án trọng điểm và quan trọng đã được Chính phủ cho phép đầu tư sẽ được bảo lãnh để các chủ đầu tư vay vốn nước ngoài triển khai nhanh dự án. Các ngành này cũng được trích tối đa 20% thuế thu nhập doanh nghiệp để thành lập quỹ nghiên cứu phát triển và chế tạo thử sản phẩm mới.

Cũng theo đề nghị này, ngành dệt may được khấu trừ thuế đầu vào 5% khi thu mua bông hạt cho nông dân; ngành tiểu thủ công nghiệp được sử dụng kinh phí khuyến công của trung ương và các địa phương. Đối với ngành khai thác quặng bô-xít nhôm, nhà nước sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu khai thác chế biến và vận chuyển quặng.

Nhà nước cho phép các nhà đầu tư bỏ vốn điều tra thăm dò một số khu mỏ và giao cho nhà đầu tư khai thác. Để giúp các ngành phát triển, sự hỗ trợ của nhà nước sẽ thể hiện sự trợ giúp nhiều hơn hỗ trợ trực tiếp. Các nguồn quỹ đầu tư mạo hiểm cũng được khuyến khích đưa vào các ngành nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới...

QUANG TUẤN

Từ nay đến 2015, TPHCM quy hoạch dành 7.000 ha đất dành cho phát triển CN. Trong đó, đã khai thác 4.000 ha để phát triển 15 khu chế xuất-khu CN và một khu công nghệ cao.

Với quỹ đất 3.000 ha còn lại TPHCM đang thúc đẩy đưa chúng vào hoạt động hiệu quả. Do quỹ đất hạn chế nên TP sẽ chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào các ngành kỹ thuật cao, ngành sản xuất sạch có quy mô lớn. Một dự án mới trong số này là Khu CN Tân Quy, có diện tích 800 ha đang được triển khai sẽ dành riêng cho các nhà đầu tư là Việt kiều. Khu CN Hiệp Phước cũng sẽ mở rộng lên quy mô 1.600 ha để trở thành Khu dịch vụ đô thị cảng biển phía Nam. 

Tin cùng chuyên mục