Xây nhà tái định cư

Cơ chế thiếu, vốn thiếu...

Cơ chế thiếu, vốn thiếu...

Như số báo trước đã phản ánh, việc thực hiện xây dựng 30 ngàn căn hộ tái định cư tại TPHCM đang gặp nhiều trở ngại vì định giá mua, bán chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, chúng tôi vừa phát hiện thông tin mới nhất, rất bất ngờ: khá nhiều dự án chỉ dừng lại ở khâu “đăng ký”, tức là xây nhà trên giấy.…

  • Vướng giải tỏa, sử dụng mục đích khác
Cơ chế thiếu, vốn thiếu... ảnh 1

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM vào cuối năm 2005, thực hiện chủ trương xây dựng 30 ngàn căn hộ tái định cư đã có 28.907 căn hộ từ 62 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Nhìn lướt qua có thể hiểu kế hoạch thực hiện gần hoàn tất, nhưng thực tế con số trên bị “phân khúc” bởi rất nhiều lý do khác nhau.

Trong nhóm bị vướng giải phóng mặt bằng gồm có 9 dự án với tổng cộng trên 5.500 căn hộ. Một số dự án có số lượng căn hộ lớn như chung cư Bình Phú 2 (232 căn), chung cư B Bông Sao (340 căn), chung cư phường 11, quận 6 (426 căn), chung cư Nguyễn Văn Luông (1.016 căn)… Mặc dù dự án chưa giải phóng mặt bằng nhưng lại lên kế hoạch hoàn thành, như dự án khu nhà ở Bắc kênh Lương Bèo, xã Tân Tạo, quận Bình Tân.

Dự án do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Chánh làm chủ đầu tư, có diện tích 2ha, dự kiến sẽ cung cấp 480 căn hộ. Kế hoạch khởi công dự án là tháng 1-2006, hoàn thành vào tháng 6-2007. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Đức, Tổng giám đốc công ty, cho biết: “UBND quận Bình Tân vừa có thông báo duyệt phương án đền bù, nhưng triển khai nhanh hay chậm còn phụ thuộc Ban giải phóng mặt bằng của quận”. Như vậy, dự án chưa giải phóng mặt bằng thì không thể khởi công, ngày bắt tay xây dựng vẫn phải chờ!

Trường hợp khác, ban đầu đăng ký vào danh sách xây nhà tái định cư cho chương trình 30 ngàn căn nhưng sau đó đã chuyển sang mục đích khác. Dự án khu chung cư Tây Tăng Long, quận 9 do Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn làm chủ đầu tư, theo kế hoạch đăng ký xây dựng 840 căn hộ, tháng 2-2007 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, mới đây TP đã điều chỉnh dự án này để bố trí tái định cư cho dự án khu đô thị mới Bình Quới- Thanh Đa.

Một dự án khác đăng ký số lượng căn hộ rất lớn là chung cư Mả Lạng, quận 1. Ban đầu, chủ đầu tư dự án là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, số lượng căn hộ lên đến 1.659 căn, nhưng vừa qua TP đã giao toàn bộ dự án cho Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco). Kế hoạch của chủ đầu tư mới sẽ biến toàn bộ khu vực thành khu trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ, chứ không thuộc diện tái định cư nữa.

  • Thiếu vốn, thiếu cơ chế!

Thiếu cơ chế thực hiện, thiếu vốn đang là áp lực đè nặng lên các doanh nghiệp tham gia chương trình này. Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn là chủ đầu tư dự án chung cư 141/1/25C Nguyễn Văn Luông, quận 6. Mặt bằng này là công sản, theo quy định chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất. Nhưng theo Chỉ thị 24, chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất khi sử dụng đất để xây dựng chung cư phục vụ tái định cư theo các dự án của nhà nước. Như vậy, đương nhiên chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất. Vì vậy, Tổng công ty đã có nhiều văn bản gửi Sở Tài chính TP đề nghị cho miễn nộp tiền sử dụng đất, nhưng các văn bản trả lời là chủ đầu tư phải nộp, rồi sau đó sẽ được trả lại!?

Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh là chủ đầu tư dự án chung cư A5- A6, quận Bình Thạnh với 252 căn hộ. Trước đây, mục đích dự án là kinh doanh, chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng 60% theo hình thức tự thương lượng. Sau khi đưa dự án vào chương trình xây nhà tái định cư, 40% diện tích còn lại phải tính theo đơn giá của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, một lãnh đạo công ty than rằng: “Giá cụ thể chưa có, vì quận không dám duyệt theo đơn giá của chủ đầu tư. Còn giá của quận thì phải dựa theo dự án liền kề, mà dự án liền kề thì không có. Bây giờ không khác gì dự án treo”. Trong khi chờ thủ tục giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đi hỏi vay vốn, câu trả lời cũng rối bời: Quỹ đầu tư phát triển nhà ở TP không có tiền, ngân hàng thì không cho vay bởi quyết định giao đất không thể thế chấp được!

Một vấn đề khác là thủ tục giải quyết hồ sơ còn rườm rà, nhiêu khê. Trong văn bản góp ý TP vào tháng 2- 2006, ông Lê Văn Tự, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, đã kiến nghị: “Hiện nay thủ tục trình duyệt hồ sơ chuẩn bị đầu tư tại một số sở ngành còn rất chậm, làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của dự án. Với vai trò đầu mối, Sở Xây dựng cần xây dựng cơ chế, biện pháp cụ thể thực hiện cơ chế “một cửa” giúp các nhà đầu tư”… 

LƯƠNG THIỆN

Ngay sau khi báo SGGP đăng tải về việc chưa hợp lý trong giá mua quỹ nhà, đất tái định cư (7-3-2006) Sở Tài chính đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp để tìm cách giải quyết các vướng mắc. Dự thảo báo cáo tại cuộc họp đã có một số thay đổi: Giá trị xây lắp và giá trị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công trình nâng lên 95%, thay vì 90% như quyết định đã ban hành trước đây. Về khoản hỗ trợ chủ đầu tư đã tách ra làm hai khoản gồm giá trị hỗ trợ bù lãi suất vốn vay và giá trị hỗ trợ nhà đầu tư chứ không gộp lại 10% như trước đó.

Tin cùng chuyên mục