Nhiều người trong ngành giáo dục TPHCM nhắc đến Nguyễn Thị Phương Anh (hiện là giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường Đức Trí) như một tấm gương sáng của lòng yêu nghề và bám trụ với nghề. Cô đã cho ra đời hàng loạt giáo án điện tử sinh động, hấp dẫn. Nhờ thế, nhiều thế hệ học trò Trường THCS Đức Trí, quận 1, TPHCM thích học môn địa của cô.
Nói về nghề giáo, cô say sưa: “Tôi đứng lớp đã 30 năm. Nói vậy chứ, nếu bây giờ cho chọn lại tôi vẫn chọn sư phạm địa lý (cười). Tôi mê môn địa từ khi học THPT, hồi đó - thầy giáo dạy địa lý có cách truyền đạt rất hay và thu hút học sinh. Nghe thầy giảng, tôi nung nấu ước mơ sau này sẽ tiếp nối công việc của thầy”.
Theo cô, người giáo viên phải biết “kéo” học sinh tập trung vào bài giảng của mình. Môn địa không phải môn thi nên động lực duy nhất khiến học sinh chịu học chính là sự thú vị. Cách đây gần 10 năm, khi ngành giáo dục kêu gọi giáo viên sử dụng phương tiện hiện đại vào bài dạy, chính cô đã nghĩ giáo án điện tử rất phù hợp với môn địa, vì có nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt và đoạn phim có âm thanh sinh động.
Ky cóp mãi, cuối cùng cô cũng mua được cái máy vi tính. Nhưng không có kiến thức về tin học, biết làm sao? May nhờ thầy Khôi – giáo viên Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TPHCM), đã rất nhiệt tình chỉ cách soạn giáo án điện tử.
Hồi đó, để soạn một giáo án điện tử cực lắm, phần vì tư liệu ít do ở nhà cô chưa nối mạng Internet, phải tìm mua những đĩa hình hoặc cắt từng đoạn phim trên tivi. Nhưng tiết đầu tiên dạy bằng giáo án điện tử ở Phòng thao giảng của trường, HS thích lắm, ngay cả HS nghịch nhất cũng chăm chú nghe giảng. Sau tiết dạy, có em còn đến động viên: “Tiết sau có học ở Phòng thao giảng nữa không cô”; “Cô ráng dạy như vậy nhiều nhiều nữa nha cô”. Thực tế, môn địa luôn có hai phần: lý thuyết và thực hành. Cô cho rằng các cấp lãnh đạo nên đổi mới cách ra đề thi, với môn địa lý nên tăng cường những câu hỏi thực hành với đáp án mở.
Cô Phương Anh kể: “Hồi mới làm, tôi cũng mắc phải khuyết điểm của giáo án điện tử là dễ sa đà vào hình ảnh, âm thanh nên HS không nắm cốt lõi bài giảng. Giáo án điện tử chỉ là một trong những phương tiện giúp người thầy đổi mới phương pháp giảng dạy chứ không phải tất cả. Tôi nghĩ giáo án điện tử phải được sử dụng phù hợp – tức tùy vào nội dung bài học, nếu không nó sẽ mang lại tác dụng ngược”.
Gần 30 năm trong nghề, cô “được” nhiều nhất là lòng tin yêu của HS. Lương giáo viên môn địa của cô khó sống nổi với vật giá Sài Gòn đắt đỏ, nhưng cô đã quyết định bám trụ với nghề. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh sống bằng… lòng tin yêu của trò, đã từng vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản, tâm niệm: “Trò còn tin yêu, tôi còn nỗ lực, còn phấn đấu trong công tác”.
HOÀNG QUÂN