Có vẻ như xã hội luôn có những câu chuyện giáo dục để bàn luận. Thật đáng buồn là trong số những câu chuyện của ngành giáo dục mà dư luận phải bận tâm thì buồn nhiều hơn vui, lo lắng nhiều hơn hài lòng, bi quan nhiều hơn lạc quan… Gần đây nhất là câu chuyện cô giáo “cung Bọ Cạp” đang dậy sóng cộng đồng mạng trong vài ngày qua.
Hàng triệu người đã xem clip về cuộc “khẩu chiến” giữa cô giáo Lê Na, tự xưng là “cung Bọ Cạp” - là cô giáo của một trung tâm luyện thi ngoại ngữ và 2 học viên được cho là sinh viên của Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội). Chắc chắn, sau khi xem xong clip này, nỗi buồn, hơn thế là nỗi đau sẽ đọng lại trong bất cứ ai, ở bất cứ tuổi tác, nghề nghiệp nào. Một câu chuyện lẽ ra đã được xử lý hết sức đơn giản, có tình có lý khi học viên của trung tâm ngoại ngữ đến gặp cô giáo để hỏi về bất cập trong lịch học và được cô dành chút thời gian tìm hiểu, trả lời các em. Điều đáng tiếc đã xảy ra khi cô giáo thể hiện thái độ “không thèm quan tâm”, không trả lời các em, thậm chí lên tiếng mắng học sinh là “vô học”. Hệ quả là nam sinh đã có hành động vô lễ khi giật giấy tờ trong tay cô giáo. Đây chính là giọt nước làm tràn ly, khi mà sau hành động vô lễ của nam sinh đó, cô giáo đã chuyển sang xưng “mày tao”, nói lớn tiếng, có thái độ coi thường, đe dọa đáng sợ với học sinh của mình. “Tao không bao giờ quên nhé, tao là “cung Bọ Cạp” nhé, tao nói cho mày biết, mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao” - là những gì mà nữ giáo viên đã lớn tiếng. Giáo viên này cũng nhắc lại vài lần rằng đã biết các sinh viên này học Trường Bưu chính Viễn thông và sẽ đến gặp hiệu trưởng nhà trường để “xử lý” các em.
Dĩ nhiên, khi clip được đăng lên, có nhiều ý kiến trái chiều. Không ít người chê trách hành động vô lễ của nam sinh khi giật giấy tờ trong tay giáo viên và đáp trả cô giáo. Những người phản đối “cô Bọ Cạp” đề cập đến thái độ không thể chấp nhận được; còn những người ủng hộ thì đề cập đến khả năng dạy tốt. Nhưng phải nhìn nhận một cách khách quan, trong vụ việc này, phương pháp và khả năng dạy học tốt của cô giáo không thể dùng để biện minh cho thái độ và cách hành xử của cô đối với học sinh. Lời nói, hành vi trong tình huống được quay clip không nhằm mục đích để sinh viên sống tốt hơn hay học giỏi hơn. Trái lại, chúng dễ khiến cho các em sinh viên, vốn đã có một số sai sót trong trường hợp này, trở nên mất niềm tin với thầy cô, cảm giác bị coi thường. Hệ quả là có thể dẫn đến cách hành xử bất cần. Lâu nay vốn đã có nhiều câu chuyện buồn trong môi trường học đường với cách hành xử giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh, giữa ban giám hiệu nhà trường với giáo viên. Đó đều là những nốt nhạc buồn mà bất cứ ai cũng không muốn nghe. Đặc biệt là mối quan hệ thầy - trò vốn được coi trọng, có giá trị hết sức thiêng liêng trong các giá trị tinh thần xã hội, thì mỗi lần “có chuyện”, tất cả chúng ta lại cảm thấy đau lòng.
Dù trong trường hợp cô giáo “cung Bọ Cạp” này, chuyện xảy ra không phải ở một mái trường, mà là một trung tâm luyện thi ngoại ngữ, thuần túy cơ chế thị trường, mối quan hệ thầy - trò có thể không còn nguyên vẹn như ở trường học, nhưng chắc chắn không thể thoát ra khỏi tính chất mối quan hệ đặc biệt này. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù học sinh đến trung tâm nộp tiền để cô luyện thi cho, thì đó vẫn là mối quan hệ thầy - trò, vì bản thân các sản phẩm, dịch vụ giáo dục là một loại hình “hàng hóa” vô cùng đặc biệt. Vì vậy, những người làm thầy, dù đứng dạy ở đâu, thì xin hãy giữ được nhân cách của người giáo viên trong mọi hoàn cảnh. Bởi sứ mạng của thầy cô là giúp truyền thụ kiến thức cho các em và dạy các em cách làm người. Một người thầy có hành vi, lời nói “đáng sợ” không thể giúp ích gì cho các em trở thành một con người đáng quý. Nhân cách của một con người được vun vén, xây đắp từ nhiều điều, nhưng chắc chắn ai cũng phải thừa nhận, tốt - xấu của nhân cách đó có ảnh hưởng rất lớn từ tấm gương của bố mẹ và thầy cô. Biết bao thế hệ học sinh, đã soi vào tấm gương thầy cô để đĩnh đạc bước vào đời…
LÂM NGUYÊN