Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014
Là con một trong gia đình làm nông, cô gái trẻ Dương Bích Phượng không có nhu cầu học kinh tế hay phải làm gì to tát để “đổi đời” thoát nghèo mà chọn con đường gõ đầu trẻ để theo đuổi. Mà nhất định phải dạy trẻ tiểu học mới chịu.
“Trẻ con thường rất hồn nhiên, mỗi ngày chỉ cần nhìn chúng biết thêm từng con chữ, hét lên vui sướng vì làm thêm được một phép tính là tôi vui rồi” - cô Phượng giải thích.
Ngày mới ra trường, cô Phượng được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Long Phước (quận 9, TPHCM), cách nhà hơn 10 cây số. Mùa khai trường cũng là mùa mưa, ngày đầu tiên đến trường phải đạp xe đạp hơn 10 cây số sình lầy mới đến cơ sở chính của trường. Lớp cô được phân công lại nằm ở cơ sở 2 xa và heo hút hơn nhiều. Muốn đến được nơi dạy, cô phải bỏ xe đạp ở trường chính rồi lội bộ thêm 2 cây số, có đoạn đường toàn bờ đê hun hút nhìn không thấy nhà xung quanh. Qua thêm 2 cây cầu khỉ nữa mới đến được trường. “Ngày đầu tiên đi được tới trường, tôi thật sự thấy nản, trường nằm hẻo lánh và lớp học khi đó đúng nghĩa là nhà tranh vách lá, xập xệ” - cô Phượng nhớ lại. Những ngày mưa lầy lội, đi xe té lên té xuống, có hôm chiếc xe đạp trở chứng phải dẫn bộ cả đoạn đường xa làm chùn bước chân cô gái trẻ. Lúc đó nghĩ chỉ cần về đến nhà sẽ lập tức viết đơn xin nghỉ ngay.
Nhưng rồi tình yêu trẻ con một lần nữa lại níu cô ở lại với học trò vùng quê nghèo. Sau những buổi đi dạy về, trên đường đê hun hút, cô thường bắt gặp hình ảnh những học trò của mình phải nghỉ học để chăn trâu kiếm sống. Mỗi lần nhìn thấy cô từ xa liền tìm chỗ nấp vì mặc cảm. Cô Phượng kể: “Mỗi lần thấy thầy cô, bạn bè tan học, một em học trò cũ liền chạy trốn vào bờ ruộng để tránh mặt. Lần đó vì quá vội mà vấp té. Tôi đến đỡ em lên mà không ngăn được nước mắt chảy dài. Tôi đã dẫn em về nhà động viên gia đình cho em tiếp tục đi học, tôi dành phần lương ít ỏi của mình để mua tập cho em học…”. Vậy là từ đó, cô không còn phân vân giữa chuyện đi và ở, mà quyết tâm ở lại với học trò nghèo nơi đây. Có lẽ nhờ vậy, mà mãi sau này, dù các em đã có gia đình vẫn thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe mình. Đó là nguồn động viên quý giá và mình luôn trân trọng những tình cảm đó “Chỉ cần nhìn thấy tụi nhỏ thì mọi vất vả, lo toan thường nhật như biến mất”. Cô lao vào dạy, chăm chút cho các thế hệ học trò từng nét chữ, bài học để làm người. Đến lúc nhìn lại thì đã lỡ mất cơ hội xây dựng cho mình một gia đình riêng. “Tuy mình không có con nhưng lại có rất nhiều con đó thôi”, cô Phượng vui vẻ bộc bạch. Sau này, khi về ngôi trường mới khang trang như hiện nay, việc đi lại cũng đỡ vất vả. Nhà trường cũng hỗ trợ bảng thông minh, máy chiếu… phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Tất nhiên, với những lứa thầy cô lâu năm, tiếp cận với máy móc không hề đơn giản. Cái khó lại buộc “cô giáo làng” lao vào tìm tòi công nghệ, vừa giảng dạy vừa phải tự học thêm máy tính, làm giáo án điện tử. Vất vả là thế nhưng vui vì bài giảng của mình cuốn hút học trò hơn trước
Đến nay đã gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô nhận ra một điều chỉ có học trò, sự tinh nghịch đáng yêu của chúng mới níu giữ được mình ở lại với nghề. Chỉ cần tốt cho tụi nhỏ, có khó khăn vất vả nào cũng vượt qua được.
HÂN NGUYỄN