Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, cô Tô Thụy Diễm Quyên, giáo viên Trường THCS Đức Trí (quận 1) thu hút học sinh bằng những cách dạy độc đáo: sử dụng các ứng dụng đa phương tiện (video, trình chiếu powerpoint) để giảng bài, hướng dẫn bài tập thông qua mail, facebook, đưa học sinh thực địa đồng ruộng để học kiến thức… Mới đây, cô là một trong 3 đại diện Việt Nam được Microsoft chọn làm chuyên gia cố vấn giáo dục toàn cầu.
Cố vấn giáo dục
Mỗi năm, chương trình “Chuyên gia giáo dục toàn cầu” của Microsoft chọn ra 250 nhà giáo làm thành viên của cộng đồng giáo dục sáng tạo toàn cầu, những người dùng công nghệ để tạo tác động tích cực với học sinh sinh viên, làm chuyển biến tích cực kết quả học tập. Là một giáo viên dạy hóa, cô Tô Thụy Diễm Quyên cùng các học sinh của mình thực hiện dự án có tên “Ích lợi và tác hại của hóa chất lên cây trồng và con người. Các biện pháp bảo vệ thực vật nhiễm hóa chất - bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.
Trong quá trình thực hiện, học sinh phải đóng rất nhiều vai khác nhau để hoàn thành chuỗi hoạt động của dự án. Đầu tiên, ở vị trí là học sinh, các em phải nắm được phân bón là gì. Tiếp đó, trong vai cán bộ bảo vệ thực vật, học sinh phải đưa ra các bản báo cáo, các thông số chứng minh sự có mặt của dư lượng phân bón, thuốc tăng trưởng thực vật, thuốc kích thích, thuốc bảo quản trong cây xanh ở Việt Nam hiện nay. Hay kể cả các em cũng phải vào vị trí của một cán bộ y tế dự phòng, tuyên truyền viên… để giải thích các câu hỏi liên quan đến phân bón.
Cô Quyên kể: “Để làm được điều đó, tôi phải đưa các em thực địa đến các trang trại giống, vườn rau, các trung tâm phân tích. Chính tự tay các em phải lấy mẫu, phân tích, tìm kết quả dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Những kết quả có được sau mỗi chuyến đi được các em đưa vào các bài thuyết trình cuối dự án. Đây cũng là thời điểm học sinh thể hiện khả năng vận dụng công nghệ phục vụ học tập, thể hiện khả năng thâu tóm, phân tích vấn đề, khả năng làm việc nhóm… Trong quá trình thực hiện, cô trò đều trao đổi trên facebook, nộp câu hỏi hoặc bài tập thông qua mail hoặc phần mềm Mind manager. Cô cho biết thêm: “Quãng thời gian đó thật sự áp lực. Vừa công việc giảng dạy trên lớp, vừa chăm sóc gia đình với 3 con nhỏ, nên hầu như phải sau 10 giờ đêm, tôi mới bắt tay vào viết dự án cho đến 2-3 giờ sáng. Tất cả những kiến thức trong dự án đều được học hỏi từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Để có được phải tự tay tìm kiếm và dịch sang tiếng Việt. May mắn cho tôi khi có những người bạn giỏi ngoại ngữ ở nước ngoài, họ giúp dịch một số từ ngữ chuyên ngành”.
Dạy giỏi nhờ hiểu học sinh
Có va chạm, có trải nghiệm, có tận tay thực hiện, học sinh mới thích thú và nhớ lâu là “câu thần chú” mà cô Tô Thụy Diễm Quyên luôn áp dụng để thu hút học trò đến với những bài học mới. Cách đây khoảng 5-6 năm, khi máy tính và internet tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ, học sinh trong trường mở máy tính làm đủ thứ việc thì cô chưa biết gì cả. Cô nghĩ rằng mình không thể thua kém học sinh của mình được. Cô đã mua máy tính, nhờ các cựu học sinh của mình hiện đang học tại các trường CNTT hướng dẫn và chỉ bảo. Càng về sau, càng thấy rằng thế giới internet có thể giúp mình được nhiều thứ trong công tác giảng dạy và có cơ hội tiếp xúc, gần gũi học trò của mình hơn.
Dù đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác nhau, nhưng với bản thân cô, học sinh học giỏi, hiểu bài mới là giải thưởng lớn nhất, ý nghĩa nhất. Còn một thời gian ngắn nữa, cô sẽ cùng 2 đại diện khác của Việt Nam tham dự diễn đàn giáo dục toàn cầu của Microsoft. Nhưng cô tâm sự rằng, đó không phải là mối bận tâm lớn nhất. Ngoài học sinh của trường Đức Trí, cô còn dành sức quản lý một trung tâm bồi dưỡng văn hóa của riêng mình. Ở đó, có những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn đang nhận được sự dìu dắt và hỗ trợ kinh phí từ cô suốt nhiều năm qua.
Đến nay, 46 tuổi đời, hơn 20 tuổi nghề, chưa bao giờ cô hối hận với lựa chọn của mình. Cô tâm sự: “Ra trường, giảng dạy được hơn 4 năm thì tôi bỏ ngang nghề giáo để đi làm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Thời điểm đó, mức đãi ngộ cùng vị trí đáng để mình bỏ công sức làm việc. Vậy mà, sau giờ làm, đi ngang bất kỳ cổng trường, cảm thấy lồng ngực của mình cứ nghẹn lại, như thể một người “đi lộn giày”. Thế là tôi quyết tâm từ bỏ tất cả để trở về nghề giáo. Giờ đây, tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc khi có bao thế hệ học sinh quý mến và tin yêu”.
TƯỜNG HÂN