Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại TPHCM
Với quy mô dân số thực tế gần 10 triệu dân tính đến năm 2015, TPHCM đang phải chịu áp lực rất lớn từ những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với mức tiêu thụ năng lượng và tài nguyên khổng lồ, kéo theo lượng khí nhà kính (KNK) phát thải ngày càng tăng.
Áp lực phải cân bằng giữa nhu cầu phát triển kinh tế và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với TPHCM còn mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (UNFCCC) lần thứ 21 (COP21) tại Paris, Pháp vào cuối năm 2015 đặt ra một vấn đề có tính quyết định toàn cầu là yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên, kể cả các quốc gia đang phát triển, phải tự đề xuất và cam kết mục tiêu giảm phát thải KNK và có những hành động cụ thể để giảm phát thải KNK. Trong đó, Việt Nam cũng đã đệ trình báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định - INDC với mức giảm phát thải từ 8%-25%, tương ứng với mức đóng góp vô điều kiện (tự thực hiện) và có điều kiện (có hỗ trợ quốc tế).
Sử dụng xe buýt CNG giúp TPHCM giảm phát khí thải CO2, CO... Ảnh: CAO THĂNG
Trong bối cảnh đó, TPHCM có trách nhiệm rất lớn trong công tác giảm phát thải KNK nhằm đóng góp vào mức giảm phát thải của quốc gia, đóng góp vào mục tiêu toàn cầu để giảm thiểu BĐKH. Bên cạnh đó, TPHCM cũng phải thực hiện những giải pháp thích nghi để có thể ứng phó toàn diện với BĐKH trong khi vẫn đảm bảo được nhu cầu phát triển kinh tế. Để thực hiện điều đó, hiện nay Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (gọi tắt là BCĐ), hợp tác với chính quyền thành phố Osaka trong khuôn khổ Chương trình Phát triển thành phố phát thải các-bon thấp, đang xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 (gọi tắt là KHHĐ 2016-2020) dựa trên một số quan điểm trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần xác định rằng ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức và cộng đồng. Thứ hai, hiểu theo nghĩa rộng thì gần như các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế và xã hội của thành phố đều ít nhiều liên quan đến việc giảm thiểu (mitigation) và thích nghi (adaptation) với BĐKH. Do đó, cần phải lồng ghép các yếu tố BĐKH vào trong các hoạt động phát triển kinh tế và xã hội của thành phố. Thứ ba, về bản chất, giảm thiểu BĐKH là giảm phát thải lượng KNK (CO2 hoặc CO2 tương đương); đồng thời, nó cũng có nghĩa là tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, tài nguyên thiên nhiên - sản xuất và tiêu dùng tối ưu. Như vậy, lượng phát thải hoặc giảm phát thải CO2 cũng có thể được sử dụng như một chỉ tiêu gián tiếp để đánh giá hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thứ tư, thích nghi với BĐKH có thể hiểu là làm cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt chống chịu được với những tác động của BĐKH; mặt khác, cần chuyển dần theo hướng tận dụng các mặt mạnh của BĐKH với chi phí thấp nhất có thể, qua đó, tận dụng được cơ hội để phát triển cơ sở hạ tầng. Thứ năm, hai yếu tố BĐKH quan trọng nhất có khả năng chi phối và gây ra tất cả các hậu quả trong trường hợp của TPHCM là (1) nhiệt độ khí quyển tăng, và (2) cường độ mưa lớn và cực đoan. Ngoài ra, mặc dù trong thời gian ngắn (5 năm), mực nước biển dâng không đáng kể để gây hậu quả nghiêm trọng nhưng đó cũng là một vấn đề cần lưu ý khi triển khai những giải pháp thích nghi và điều chỉnh thích hợp trong công tác quy hoạch đô thị và quản lý nguồn nước. Thứ sáu, việc lựa chọn các lĩnh vực kinh tế và xã hội bị tác động do BĐKH được dựa trên cơ sở kinh nghiệm các nước và thực tế tại TPHCM. Thứ tự ưu tiên của mỗi lĩnh vực được xây dựng dựa trên cơ sở: (1) tầm quan trọng chi phối của lĩnh vực, (2) đóng góp GDP, (3) lượng phát thải CO2. Thứ bảy, công tác ứng phó với BĐKH phải dựa trên cơ sở: tăng cường năng lực quản lý nhà nước, thể chế và pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực quản lý nhà nước chất lượng cao; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội; tăng cường hợp tác trong và ngoài nước, hợp tác công-tư, đẩy mạnh xã hội hóa và hướng đến tăng trưởng xanh, phát thải các-bon thấp.
Với những quan điểm trên, KHHĐ 2016-2020 được xây dựng nhằm thực hiện những mục tiêu như sau:
Mục tiêu tổng thể:
- Nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BĐKH;
- Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;
- Đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải KNK của quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM;
- Nâng cao khả năng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư trong công tác ứng phó với BĐKH.
Mục tiêu cụ thể:
- Lồng ghép các yếu tố BĐKH vào trong các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế và xã hội của thành phố.
- Nghiên cứu và xây dựng: Hệ thống văn bản pháp lý phục vụ quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH; các dự án và các giải pháp ưu tiên nhằm giảm thiểu lượng KNK phát thải, giảm thiểu tác động có hại và thích nghi với BĐKH.
- Dự thảo KHHĐ 2016-2020 đề xuất mục tiêu giảm phát thải KNK đến năm 2020 so với lượng phát thải theo kịch bản phát triển bình thường như trong bảng sau:
° Mức đóng góp vô điều kiện (thành phố tự thực hiện): 10,5%
° Mức đóng góp có điều kiện (có hỗ trợ bên ngoài và nếu tính cả tiềm năng giảm phát thải từ lưới điện 6,1%): 19,1%.
(Kết quả tính toán của nhóm AIM, Nhật Bản trên cơ sở hợp tác với TPHCM trong khuôn khổ Chương trình Phát triển thành phố phát thải các-bon thấp.)
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, KHHĐ 2016-2020 sẽ đề ra hai nhóm giải pháp:
(1) Danh mục giải pháp được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 sử dụng nguồn ngân sách thành phố do BCĐ điều phối. Các nhiệm vụ trong danh mục này được lựa chọn theo các tiêu chí: tính khả thi cao, thí điểm quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, kinh phí thấp.
(2) Danh mục giải pháp có nhu cầu kêu gọi hợp tác, đầu tư và hỗ trợ tài chính trong và ngoài nước để đóng góp vào hoạt động ứng phó BĐKH của TPHCM.
Tóm lại, đối với một thành phố đang phát triển mạnh mẽ như TPHCM, ứng phó với BĐKH vừa là thách thức phải vượt qua và có đóng góp thiết thực cho mục tiêu chung của quốc gia và quốc tế, vừa là cơ hội để thành phố phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, hướng đến phát triển một nền kinh tế bền vững và ít phát thải các-bon. Do đó, nhằm nhanh chóng triển khai được các giải pháp ứng phó với BĐKH, BCĐ sẽ tiếp tục điều chỉnh, sớm hoàn thiện bản dự thảo KHHĐ cho phù hợp với điều kiện thực tế của TPHCM và ban hành KHHĐ để triển khai trong giai đoạn 2016-2020.
TRẦN HỒNG LAN
Văn phòng thích ứng với BĐKH