Cơ hội nào cho điện thoại thương hiệu Việt?

Cơ hội nào cho điện thoại thương hiệu Việt?

Đến thời điểm hiện tại, có thể nói điện thoại thương hiệu Việt như Q-mobile, F-Mobile, MobiStar... vẫn đang có chỗ đứng trên thị trường khi chiếm gần 30% thị phần số lượng điện thoại bán ra trong nước. Với việc cung cấp những chiếc điện thoại giá từ 700.000 đồng đến 2 triệu đồng phục vụ người có thu nhập thấp, các thương hiệu điện thoại di động (ĐTDĐ) nói trên đang thành công. Nhưng với cách làm theo kiểu gia công tại Trung Quốc, bắt chước mẫu mã các hãng nổi tiếng như hiện nay, tương lai của nhãn hiệu điện thoại này vẫn đang là một dấu hỏi.

Chắp vá

Đa số điện thoại thương hiệu Việt trên thị trường hiện nay đều có xuất xứ từ Trung Quốc, các công ty Việt Nam kinh doanh theo kiểu nhập nguyên chiếc về và dán nhãn mác của mình vào. Nhiều công ty như Viễn thông An Bình, FPT hay CMC khẳng định, giá trị của công ty mình đóng góp vào chiếc điện thoại là không nhỏ, thậm chí ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Công ty Viễn thông An Bình khẳng định công ty đóng góp đến 70% giá trị trong một chiếc điện thoại Q-Mobile. Nhưng thực tế, người dùng rất khó có thể nhận biết được các công ty này đã đóng góp vào đó được cái gì, ngoài các dòng chữ như “made in CMC” hay “made in FPT” ghi trên điện thoại...

Các mẫu điện thoại di động thương hiệu Việt hiện đang được lai tạo đủ các kiểu dáng của các thương hiệu lớn.

Các mẫu điện thoại di động thương hiệu Việt hiện đang được lai tạo đủ các kiểu dáng của các thương hiệu lớn.

Điện thoại thương hiệu Việt nhưng để tìm được bản sắc Việt từ chiếc điện thoại này trên thị trường hiện nay cũng là điều không tưởng. Đa số những chiếc điện thoại của Q-Mobile, F-Mobile, Mobistar... đều được thiết kế nhái mẫu mã của các hãng điện thoại nổi tiếng. Chẳng hạn như khi nhìn vào chiếc Q-Mobile F680, người dùng sẽ thấy chẳng khác gì chiếc Nokia 8800 hay điện thoại F99 của FPT cũng chắc khác gì chiếc BlackBerry 8520 đang được bán rộng rãi. Với việc nhập cả máy và mẫu mã bắt chước như thế, có thể nói, ngoại trừ mác “điện thoại thương hiệu Việt”, những chiếc điện thoại trên hầu như không mang bản sắc Việt Nam. Nếu có, cũng là của hiếm và chưa thể phát triển, như F-store của FPT rất ít tính năng hữu dụng.

Dè chừng tương lai

Thực tế cho thấy, F-mobile nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, làm cơ sở để phát triển sản phẩm phù hợp. Trên nền tảng sản phẩm phần mềm đã có và đã tạo ra hình hài sơ bộ của chiếc điện thoại, FPT hợp tác với Công ty MTK (Đài Loan-Trung Quốc) phát triển hệ điều hành và thiết kế mẫu mã, sau đó thuê Trung Quốc sản xuất. Q-moblie cũng chỉ tập trung thiết kế, tích hợp công nghệ vào sản phẩm (các công đoạn này có lúc chiếm khoảng 70% giá trị của chiếc điện thoại di động), sau đó thuê Trung Quốc sản xuất rồi đem về bán ở thị trường trong nước. Chính vì thế, không khó để nhận thấy những chiếc điện thoại này chỉ có mỗi thế mạnh là giá rẻ, còn kiểu dáng và chất lượng hầu như không có gì nổi bật. Nhiều người dùng sau khi sử dụng qua điện thoại thương hiệu Việt đã than là thiết kế quá lỏng lẻo, bàn phím cứng và cảm ứng không mượt, ứng dụng chủ yếu là dùng java, rất nghèo nàn.

Năng động hơn. một số hãng mới gia nhập thị trường hiện nay cũng đi theo lối mòn, thậm chí lại cạnh tranh theo kiểu nhiều sim nhiều sóng. Thương hiệu Bluefone của CMC là một điển hình. Là một thương hiệu mới ra vào quý 4-2010 nhưng những chiếc điện thoại Bluefone vẫn không có gì thay đổi về chất lượng và mẫu mã so với các điện thoại thương hiệu Việt khác đã có mặt trên thị trường. Thay vào đó, hướng đi của nhà cung cấp này là thu hút khách hàng bằng cách tích hợp nhiều sim và nhiều sóng vào máy như 3 sim 3 sóng online hay 4 sim 2 sóng online... Đây là một cách làm nhằm khuyến khích người dùng sử dụng nhiều sim số và dẫn đến nạn “sim rác”, một điều mà các nhà mạng và cơ quan chức năng vẫn đau đầu trong quản lý hiện nay.

Dẫn biết rằng không có thương hiệu điện thoại nào trên thế giới tự sản xuất từ đầu đến cuối. Người ta chỉ thiết kế phần lõi, mẫu mã, phần mềm, còn phần cứng sẽ đi thuê sản xuất nên các nhà sản xuất điện thoại thương hiệu Việt cũng chọn con đường này. Mà con đường này dần tạo thành một lối mòn, thiếu dòng máy đặc sắc chứ chưa nói đến nền công nghiệp sản xuất ĐTDĐ hiện đại. Cần nhìn nhận thêm, hiện các hãng di động lớn có mặt tại Việt Nam đang tranh đua trong phân khúc điện thoại thông minh, nên ở phân khúc cho người thu nhập thấp, điện thoại thương hiệu Việt còn có cơ hội phát triển. Nhưng trong tương lai, khi thị trường bão hòa, họ quay lại với phân khúc giá rẻ, thử hỏi điện thoại thương hiệu Việt lấy gì để cạnh tranh, nếu vẫn phát triển theo hướng đã chọn lựa?!

BÁ TÂN - MỸ NGỌC

Tin cùng chuyên mục