Khi anh Phạm Việt Trung (SN 1978, ngụ 14B/8 Hưng Phú, quận 8) theo “nàng tiên nâu”, người vợ bỏ đi để lại đứa con thơ. Năm 2008, anh hồi gia, ôm con nhỏ tiếp tục tá túc cha mẹ trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, rộng 24m² nhưng có đến 6 người ở.
Không có trình độ, không có nghề nghiệp và phương tiện mưu sinh, hàng ngày anh phải thuê xe để chạy xe ôm. Thu nhập phập phù, lại phải bớt xén để trả tiền thuê xe mỗi ngày 30.000 đồng nên càng ít ỏi. Chẳng dám mơ ước nhiều, anh chỉ mong mỏi được vay ưu đãi một ít vốn để sắm phương tiện mưu sinh. Không ngờ, ngày 28-3, anh được tặng 10 triệu đồng để mua xe gắn máy mới. Các cán bộ Công an TPHCM và quận 8 còn cùng anh tới tận tiệm bán xe và giúp anh chọn được chiếc xe ưng ý. Có xe, không bị hạn chế bởi thời gian thuê xe, anh có thể thoải mái chạy xe tăng thêm thu nhập nuôi con và phụng dưỡng cha mẹ già.
Cùng cảnh “gà trống nuôi con”, sau khi tái hòa nhập cộng đồng, anh Nguyễn Văn Lan (SN 1959, ngụ 100H/23 Hoài Thanh, quận 8), xoay xở được ít vốn liếng để mua bán cà phê, áo mưa và khẩu trang, tùy mùa. Vay những chỗ “tử tế” thì… ai cũng ngại quá khứ của anh, anh đành phải vay bên ngoài với lãi suất cao. Buôn bán lời chẳng bao nhiêu, lại thấp thỏm hàng ế, đọng vốn trong khi vẫn phải trả lãi thành ra nhiều lúc muốn “đánh hàng” mà không dám. Giờ đây, được tặng 10 triệu đồng làm vốn buôn bán, anh thổ lộ. “Cầm đồng vốn mình tự tin lên rất nhiều, vì có thể chủ động mở rộng quy mô buôn bán, đồng thời cảm thấy hạnh phúc khi được chính quyền, cộng đồng quan tâm giúp đỡ kịp thời”.
Hoàn cảnh và cảm xúc của anh Trung, anh Lan cũng như 7 người hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng khác vừa được Công an TPHCM và quận 8 tặng vốn, phương tiện mưu sinh. Các trường hợp, tùy hoàn cảnh, nhu cầu đều nhận được sự hỗ trợ thiết thực, từ 2 - 15 triệu đồng/người để chữa bệnh, học lấy bằng lái ô tô, mua máy tiện, buôn bán nhỏ…
So với con số 700 người từ các cơ sở chữa bệnh về tái hòa nhập cộng đồng, 400 người mãn hạn tù và hàng năm có trên 100 người được đặc xá trên địa bàn quận 8, tất cả đều trình độ thấp, không có nghề nghiệp ổn định, thì con số 9 người được hỗ trợ đợt này không phải nhiều. Nhưng điều đó đã phần nào thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc giáo dục, quản lý, giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt này. Và đây chính là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa họ tái nghiện, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Mong rằng, những người được hỗ trợ đợt này sẽ sử dụng vốn, phương tiện đúng mục đích để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Và không dừng lại ở đây, sắp tới sẽ có nhiều số phận được cứu giúp kịp thời như thế!
Đường Loan