Cô Huỳnh Thu Hà, giáo viên Trường Mầm non 6 (quận 3): Hạnh phúc của người lái đò

Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô phải bươn chải nhiều nghề kiếm sống.
Cô Huỳnh Thu Hà, giáo viên Trường Mầm non 6 (quận 3): Hạnh phúc của người lái đò

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014

Xuất thân từ một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô phải bươn chải nhiều nghề kiếm sống.

Từ những công việc nặng nhọc như phụ hồ, phục vụ bàn đến những việc cần sự kiên trì, tỉ mỉ như giữ trẻ tại nhà, nhận gia công vỏ xe máy, cô đều làm với tất cả nghị lực và sự lạc quan hiếm có. Sau này do yêu cầu công việc ở trường mầm non, cô phải học bổ túc lấy bằng trung cấp rồi học lên cao đẳng sư phạm. “Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn. Tôi phải vừa hoàn thành công việc tại trường, vừa học thêm buổi tối, rồi trách nhiệm làm vợ, làm mẹ và gánh nặng kinh tế gia đình do chồng mất sức lao động khiến nhiều lần tưởng như mình gục ngã. Nhưng nhờ có sự động viên, giúp đỡ của gia đình, sự tin yêu, tín nhiệm của phụ huynh và đồng nghiệp đã giúp tôi có thêm nghị lực phấn đấu” - cô Hà nhớ lại những ngày gian khó.

Khi được hỏi vì sao kinh tế gia đình quá khó khăn nhưng cô vẫn quyết tâm bám trụ với nghề có đồng lương ít ỏi, cô cười hiền cho biết, 15 năm trước cô đã đến với nghề dạy học bằng hai bàn tay trắng. Đến nay, tài sản “khổng lồ” mà cô đang có là tình cảm quý mến, yêu thương của phụ huynh và học sinh. “Có làm giáo viên mới thấy được hết những hoàn cảnh khó khăn của học sinh. Tôi tự thấy mình có một phần trách nhiệm chia sẻ, bù đắp tình cảm cho các em, vất vả đến mấy tôi cũng phải đi hết con đường mình đã chọn”.

Công việc của một giáo viên mầm non không khác gì người lái đò, khi đưa học sinh qua bến mới không có nhiều em quay lại nhớ người đưa đò do ở độ tuổi này các em dễ nhớ, dễ quên, ký ức tuổi thơ sẽ phai dần theo năm tháng. Nhưng có hề gì, chỉ cần bản thân mình cảm thấy đã hết lòng là đủ. Cô chia sẻ, học trò chính là niềm vui, giúp cô cảm thấy được “trẻ” hóa, mọi phiền muộn, buồn lo trong cuộc sống đều tan biến. Có học sinh do phụ huynh quá bận rộn, không thể sắp xếp thời gian đưa đón nên đã gởi luôn ở nhà cô, ăn, ngủ mỗi ngày với cô giáo, cuối tuần ba mẹ mới đón về. Cô đã xem em như con ruột của mình. Ngày em được ba mẹ đón về, cô - trò quyến luyến chẳng nỡ rời. Ngày 20-11, tuy không có nhiều hoa và thiệp chúc mừng như giáo viên ở các bậc học khác nhưng hạnh phúc của cô là được nhìn những “đứa con tinh thần” của mình xúng xính trong những bộ quần áo trình diễn các tiết mục văn nghệ. Người ta con hát mẹ khen hay, riêng cô chỉ đứng từ xa ngắm học trò thôi cũng mãn nguyện.

Nếu được lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn nghề giáo và đặc biệt phải là giáo viên mầm non. Hiện nay sau nhiều năm vất vả, con trai cô đã trưởng thành, vợ chồng con cái không còn sống trong cảnh nhà thuê nhưng “người lái đò” ấy vẫn cần mẫn gom nhặt từng ký ức và tình cảm tốt đẹp của học trò.

THU TÂM

Tin cùng chuyên mục