
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn đang giải tỏa hết sức ì ạch, vóc dáng khu đô thị còn nằm trên giấy nhưng câu chuyện bán suất tái định cư đang lên cơn sốt, khi cò đang săn lùng ngày đêm để gom phiếu tái định cư.
Mua bán phiếu: siêu lợi nhuận!

Vì sao trong lúc nhà đất “đóng băng” mà phiếu tái định cư (TĐC) lại trở thành một mặt hàng nóng lên như vậy?
Anh xe ôm đưa tôi gặp “cò” Chí tại một quán cà phê trên đường Trần Não với lời khẳng định: “Chí rất rành về phiếu TĐC, muốn mua cỡ nào cũng có”.
Quả thật, ngay từ cách vô đề đã minh chứng điều đó. Không chút dò xét, Chí nói ngay: “Tui đang có mấy phiếu TĐC chung cư: giá 130 triệu với diện tích nhà bị giải tỏa 97m2; giá 110 triệu với diện tích nhà bị giải tỏa 80m2...”.
Về phiếu TĐC nền đất, Chí cho biết, lúc trước, khi chưa có chính sách tăng mức đền bù, thì giá dao động 200-220 triệu đồng/phiếu bất kể diện tích bị giải tỏa, còn bây giờ phải từ 350 triệu đồng trở lên nhưng rất ít người chịu bán... Về thủ tục mua bán, Chí khẳng định: “Bây giờ tụi tui mua đứt bán đoạn luôn, sau này người mua hưởng trọn mọi quyền lợi (tiền bồi thường tăng thêm lẫn tiêu chuẩn TĐC), muốn công chứng ở đâu cũng được, bên này lo hết”.
Nói rồi Chí đưa cho tôi mẫu hợp đồng sang nhượng in sẵn mà người mua và người bán sẽ ký tay. Theo đó, bên bán sẽ nhượng một tiêu chuẩn TĐC thuộc dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, sau khi bên bán nhận đủ tiền thì tiêu chuẩn TĐC trên thuộc quyền sở hữu của bên mua và bên mua có toàn quyền quyết định chọn phương thức TĐC, kèm theo các giấy tờ khác như hồ sơ gốc của khu nhà đất bị giải tỏa, hộ khẩu và CMND của người bán….
Nhưng quan trọng nhất vẫn là giấy ủy quyền mà các phòng công chứng sẽ ký xác nhận, trên đó có đoạn “...người mua được thay mặt tôi (người bán) liên hệ với cơ quan nhà nước để lập thủ tục về việc: chọn, đăng ký, đóng tiền, ký kết hợp đồng, ký và nhận bàn giao căn hộ (hoặc nền đất) TĐC theo quy định do tôi đứng tên… Đồng thời làm thủ tục và ký tên trên các giấy tờ liên quan đến việc xin cấp và nhận chủ quyền nhà (đất) đối với căn hộ (nền đất) TĐC do tôi đứng tên”.
Tuy nhiên, giá mua này là thỏa thuận giữa hai bên khi sang nhượng suất TĐC. Sau này, số tiền phải trả cơ quan chức năng để sở hữu căn hộ chung cư hay nền đất TĐC vẫn là ẩn số.
Mặc dù còn tù mù về giá tiền cũng như vị trí căn hộ chung cư hay nền đất nhưng tờ phiếu TĐC lại có sức hút mãnh liệt. Tuấn, một cò đất, đưa cho tôi một tờ phiếu TĐC chung cư của căn nhà bị giải tỏa có diện tích 30,9m2 trên đường Lương Định Của, ấp 4 phường An Khánh, giải thích: “Nó kẹt tiền nên bán rẻ, có người trả 65 triệu đồng nhưng nó đòi 73 triệu đồng”.
Thế nhưng thật bất ngờ, ngày hôm sau tại khu tạm cư An Lợi Đông tôi được biết, tờ phiếu trên đã sang lại với giá 90 triệu đồng! Đến ấp 4, phường An Khánh, tuy không gặp người đứng tên tờ phiếu nhưng tôi may mắn gặp được Dũng - một cò đất khá rành rẽ khu vực này.
Khá cởi mở, Dũng tiết lộ: “Thật ra khi mua tại gốc, giá có 1,5 triệu đồng/m2 - tính theo diện tích nhà bị giải tỏa”. Như vậy, với phiếu TĐC của căn hộ bị giải tỏa 30,9m2, giá ban đầu 46 triệu đồng nhưng qua mỗi lần chuyển nhượng đã tăng vọt, đem lại một mức lợi nhuận khá cao. Tất nhiên, số tiền này đã vào túi kẻ đầu cơ, cơ quan nhà nước không thu được khoản thuế nào.
Phiếu đi, người lang bạt
Nằm lọt thỏm giữa một vùng bưng biền hoang vắng là khu tạm cư An Lợi Đông, được xây dựng cách đây vài năm làm nơi tạm cư cho các hộ bị giải tỏa trong thời gian chờ TĐC. Phần lớn người dân bị thất nghiệp, nếu có việc làm thì cũng bấp bênh, thu nhập thấp, cùng với đó là các tệ nạn như bài bạc, cá độ, đánh đề…
Anh Phan Đăng Nhân, bảo vệ khu tạm cư, cho biết có khoảng phân nửa trong 110 hộ tạm cư đã bán phiếu TĐC nhưng rất khó biết cụ thể, chỉ phát hiện được khi sự việc đi “quá đà”. Chẳng hạn như cách đây vài tháng, bà P.T.L và em trai là P.N.D đã cùng bán phiếu TĐC chung cư cho một đầu nậu.
Theo các hộ lân cận, do quá thiếu trước hụt sau, nên sau khi bán phiếu TĐC họ đã bán tiếp căn hộ tạm cư. Sự việc vỡ lở khi bên mua cho thuê lại hai căn hộ tạm cư, thế là hai căn hộ bị ban quản lý niêm phong. Sau đó, bà P.T.L và người con về Củ Chi làm thuê cho các cơ sở bánh tráng, còn anh P.N.D thì dẫn cả nhà về quê vợ ở Lâm Đồng tìm kế sinh nhai mới.
Không “bán ẩu” nhưng khá nhiều trường hợp lâm vào tình trạng dở khóc dở cười, sau khi bán phiếu TĐC. Éo le nhất là tình cảnh gia đình chú Huỳnh Thanh Mẫn ngụ tại 31/3C, khu phố 1 phường An Khánh. Cả nhà 10 người, chỉ kiếm sống bằng nghề phụ hồ, bốc vác… nên nợ nần dai dẳng.
Khi giải tỏa, số tiền đền bù gần 130 triệu đồng chỉ đủ để mua một lô đất 70m2 ở xã Phú Hữu huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và dựng lên một ngôi nhà vách tôn cho hai đứa con trai ở đi bốc xếp. Còn phiếu TĐC chú đành bán với giá 40 triệu, số tiền này hết ngay vì phải trả nợ nần trước đó. Hiện vợ chú và một người con trai thì đang làm phục vụ và ở luôn tại một nhà hàng bên quận 1; con dâu và ba cháu nội thì ở nhờ nhà người quen gần nhà cũ, còn chú thì... xin tá túc trong một ngôi miễu gần đó.
Hoàng Liêm