Đã ngoài 60 tuổi nhưng trong công việc bà luôn tháo vát, nhanh nhạy và sáng tạo. Nhờ thế, ở khu phố bà quản lý, người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tội phạm - tệ nạn giảm đáng kể, khu phố mỗi ngày một văn minh hơn. Trong cuộc sống, bà còn được người dân tin yêu, nể trọng vì luôn sẵn lòng giúp đỡ những mảnh đời khốn khổ, là “chủ tọa” giải quyết thấu tình đạt lý các sự việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn...
Người chuyên giải quyết “ca khó”
Bà là Nguyễn Thị Bé Năm - Bí thư Chi bộ ở khu phố 1, phường 1, quận 8 (TPHCM), còn được người dân quen gọi với cái tên thân mật là cô Năm. “Ở cái khu phố này, ai cũng quý, cũng mến cô Năm cả, bởi cô sống gương mẫu, chan hòa và đùm bọc bà con lắm, nhất là những gia đình nghèo. Nói đâu xa, bà con được đi lại thuận tiện trên con hẻm 73 bê tông phẳng phiu - nơi tôi đang đứng đây - cũng là nhờ cô Năm”, chị Hoàng Thị Thu Hương, ngụ ở địa chỉ 73/7/70E Dương Bá Trạc, chia sẻ với chúng tôi như thế khi nói về bà Năm.
Cô Năm (thứ 4 từ trái qua) trong một lần vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm.
Quả đúng như chị Hương chia sẻ, trò chuyện với chúng tôi, nhiều người dân khác trong khu phố cũng có chung nhận xét tương tự. Từ cuối năm 2013 trở về trước, hẻm 73 Dương Bá Trạc (dài 300m) là nỗi ám ảnh với người dân nơi đây. Mưa thì ngập, nắng thì bùn lầy, hố ga liên tục hỏng nắp, gây nguy hiểm cho người lưu thông và trẻ con qua lại. Việc nâng cấp hẻm được phường nhiều lần đề xuất nhưng quận chưa duyệt vì kinh phí địa phương còn “eo hẹp”. Là một bí thư chi bộ, bà Năm mạnh dạn đề xuất phương án “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân sẽ đóng góp 50% kinh phí xây dựng”.
Bí thư Đảng ủy phường 1 Dương Văn Dân nhìn nhận: “Quyết định của cô Năm thật táo bạo, bởi lẽ dân ở khu phố 1 đa số là lao động nghèo, mà giá đất ở khu vực này khá cao. Do đó việc vận động người dân hiến đất là chuyện khó khăn. Ấy vậy mà bằng uy tín của bản thân và sự khéo léo trong công tác dân vận, cô Năm đã vận động được toàn bộ người dân sống hai bên hẻm hiến hàng trăm mét vuông đất. Ngay cả những hộ không nằm ở mặt tiền hẻm cũng đồng tình ủng hộ kinh phí nâng cấp hẻm”.
Niềm vui “gánh chuyện người dưng”
Không chỉ làm công tác dân vận khéo, bà Năm còn là người nhiệt huyết với công việc. Trước đây, khu phố 1 (phường 1) đoạn dưới dạ cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Rạch Ông là những điểm nóng về mua bán, hút chích ma túy. Qua tìm hiểu, bà Năm xác định những con nghiện thường xuyên tới lui khu vực trên là người địa phương. Bà chủ động phối hợp cùng trưởng ban điều hành khu phố đến từng nhà gặp gỡ, phân tích, nói chuyện, động viên cha mẹ và bản thân người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở xã hội. Đến động viên một lần không hiệu quả thì bà đến lần hai, lần ba... Nhờ vậy mà đến nay, số người nghiện trên địa bàn phường 1 đã giảm đáng kể.
Ở khu phố 1, bà Năm còn được người dân yêu mến, nể trọng vì sống đùm bọc, cưu mang người nghèo. Đã có hàng chục hộ nghèo trong khu phố được bà Năm bỏ tiền túi và vận động mạnh thường quân giúp đỡ. Trường hợp hộ bà Đỗ Thị Thâm trong hẻm 11 Phạm Thế Hiển là một điển hình. Thấy bà Thâm già yếu, mất sức lao động, lại nuôi con bị bệnh tâm thần, sống trong nhà dột nát, bà Năm vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 4 triệu đồng, bản thân cho 5 triệu đồng để sửa chữa nhà cho bà Thâm. Thấy mẹ con bà Thâm không lao động được, mỗi tháng bà Năm lại cho 20kg gạo. Không chỉ thế, bà Năm còn là vị “chủ tọa” giải quyết thấu tình đạt lý các sự việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn. Bà Phú Thị D. ở tổ 20 kể, năm trước hai con của bà xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp tài sản là căn nhà. Không khí trong nhà vì thế thường xuyên xảy ra cãi cọ lớn tiếng. “Biết chuyện, cô Năm đến phân tích, nói điều phải trái, hai ngày sau là tụi nó cơm lành canh ngọt. Cô Năm vậy mà khéo…”, bà D. khen ngợi.
Chia sẻ về những việc mình làm, bà Năm nói: “Cuộc sống này không có gì hạnh phúc hơn khi được giúp người nghèo khó. Tui lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống, ngày nào còn sống tôi sẽ cố gắng làm thêm nhiều việc tốt cho xã hội”.
TUẤN VŨ