Trên thực tế, qua khảo sát của phóng viên Báo SGGP thì đa số người dân ở trong khu vực bị ảnh hưởng của việc lấn sông đều không đồng tình do lo ngại DA tác động xấu đến cuộc sống của họ.
Đa số người dân không đồng tình
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng Phạm Thanh Long cho biết: “DA triển khai được một thời gian thì phường đã họp dân thông báo chủ trương hết rồi, dân đồng tình không phản đối, dự án triển khai đúng quy trình” và về ích lợi thì địa phương đánh giá “sẽ tạo cảnh quan bờ sông, công viên cùng khu nhà ở thương mại tạo điều kiện phát triển cho địa phương”. Nhưng khi gặp ông Võ Văn Bé (nhà ở sát đình Phước Lư, nằm trong DALS) thì chúng tôi nhận được thông tin khác hẳn. Ông nói: “Bên này sông nếu bồi lắp chắc chắn sẽ gây lở ở phía bên kia bờ và ở đầu cù lao Hiệp Hòa này… Khi làm DA đâu có ai tham khảo hỏi ý kiến dân gì đâu, đến khi thấy làm lấn sông, dân la quá thì đã xong rồi. Giờ nghe nói sắp làm nữa. Nếu trước khi triển khai DA có họp dân thì nhiều người sẽ không đồng tình”.
Người dân phường Bửu Hòa (cùng TP Biên Hòa) phía bờ Nam sông Đồng Nai cũng không đồng thuận. Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bửu Hòa - Trần Thị Ngọc Hương thì DALS ảnh hưởng trực tiếp đến bà con khu phố 1 và khu phố 5 với tổng số hơn 900 hộ. Trong đó, đối diện DALS là khu phố 1 với 200 hộ bị ảnh hưởng kéo dài từ phía trên cầu Ghềnh đến chùa Long Thiền. Người dân rất lo lắng khi lấn bên kia sông sẽ gây ra hiện tượng lở bờ bên này vì nhà cửa bà con đa số còn xập xệ nên khi HĐND tỉnh hay TP Biên Hòa họp tiếp xúc cử tri thì “đa số người dân không đồng thuận cho triển khai DA”.
Bằng mắt thường và bằng kinh nghiệm cha ông truyền lại rằng “dòng sông bên lở bên bồi” thì họ có cơ sở để không đồng thuận: Từ trên phía cầu Hóa An đổ về, dòng sông Đồng Nai tạo ra một vòng cung lở khá rộng về phía trái ở ngay khu vực DALS và sau khi hoàn thành việc lấn ra mặt sông gần 100m thì dòng sông sẽ lở sang phía bờ bên kia và mức độ lở sẽ mạnh hơn ở đầu cù lao Hiệp Hòa (cù lao Phố) ngay phía dưới.
Lo ngại về môi trường và tính minh bạch
Theo Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), DA đã vi phạm nhiều quy định hiện hành nên VRN kiến nghị Chính phủ cho dừng hẳn DALS, trả lại nguyên trạng cho dòng sông.
Đặc biệt, một vấn đề mới phát sinh làm người dân phường Bửu Hòa rất lo lắng chính là xuất xứ của đất đá đổ xuống sông được lấy từ khu vực gần sân bay Biên Hòa là nơi nhiễm dioxin nặng chưa được tẩy rửa. Kết quả quan trắc năm 2016 của Sở TN-MT Đồng Nai đã phát hiện 7 vị trí trên sông có nhiễm chất dioxin trong lớp trầm tích dưới đáy sông, dao động từ 1,2 - 3,7 ppt. Chưa biết nó có liên quan gì đến khối lượng đất đá do Công ty Toàn Thịnh Phát đã đổ xuống sông hay không? Chỉ biết rằng, có 6/7 điểm đều nằm gần dự án như bến đò Biên Hòa - Bửu Long, cầu Hóa An, Nhà máy nước Biên Hòa; các cù lao Cỏ, cù lao Hiệp Hòa và cù lao Ba Xê (TP Biên Hòa).
Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại. Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, với một DA lấn sông quy mô thì làm gì cũng phải nghĩ đến cả vùng, không thể chỉ nghĩ cục bộ có tỉnh Đồng Nai. Trình độ của các nhà khoa học về môi trường ở Việt Nam không tính được tác động của DA lấn sông đến tương lai trong vòng 10 - 20 năm nữa và bài học xói lở bờ sông Hậu ở vùng Tây Nam bộ đã cho thấy rõ điều này. “Theo tôi thì không nên làm dự án lấn sông và tỉnh nên dừng”, Tiến sĩ Phạm Sanh góp ý.
Một nguyên nhân khác làm người dân không đồng tình chính là tính minh bạch của DA. Một lãnh đạo UBND phường Bửu Hòa bức xúc nói: “Người dân bờ bên này xin giấy phép xây nhà ở thì chính quyền không cho, không cấp giấy trong khi đó Nhà nước cấp phép cho xây dựng công trình cao tầng thì lại được?”.
Với một DA lấn sông quy mô lớn nhưng tỉnh Đồng Nai không hề báo cáo cho Ủy ban Bảo vệ sông Đồng Nai và lấy ý kiến 9 tỉnh, thành có liên quan khác là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bình Thuận và TPHCM.
Nếu DA thực hiện đúng với tên gọi là “cải tạo cảnh quan” thì rất nên làm vì bờ sông sẽ được xây kè kiên cố, tránh được hiện tượng sạt lở cục bộ diễn ra nhiều năm qua, tạo công viên mới ven sông góp phần đích thực vào chỉnh trang đô thị. Còn ngược lại, nếu DA lấn sông với mức độ như đã được duyệt sẽ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến môi trường nước và cuộc sống không chỉ của người dân TP Biên Hòa mà là hàng chục triệu người dân các địa phương đang sử dụng nguồn nước của con sông, trong đó có TPHCM.
DALS Đồng Nai tọa lạc tại khu phố 2, phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa do Công ty CP Đầu tư - kiến trúc - xây dựng Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư, khởi công ngày 17-9-2014, có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng. Tổng diện tích đất của DA là 8,4ha, trong đó có 7,2ha là lấn sông, đoạn xa nhất lấn ra ngoài sông Đồng Nai gần 100m.
DA được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận đầu tư ngày 21-7-2014 nhưng DA không nhận được sự đồng thuận của công luận và các nhà khoa học nên Chính phủ đã chỉ đạo dừng DA một năm sau đó.
Ngày 18-7-2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến giao Bộ TN-MT tiếp thu ý kiến các bộ liên quan và dựa trên kết quả này cùng với “các quy định pháp luật hiện hành, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định xử lý các vấn đề liên quan đến DA theo thẩm quyền”.
Nhưng trong khi chờ báo cáo chính thức của UBND tỉnh về tiếp thu ý kiến các bộ, ngành thì trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN-MT vào chiều ngày 20-9, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đã nêu quan điểm là không nên lấp sông Đồng Nai để làm khu đô thị, DA cần dừng lại kịp thời khi chưa gây ra những hậu quả lớn về môi trường, ảnh hưởng đến toàn lưu vực sông Đồng Nai và cũng không nên xây dựng công trình trên phần đất đã lấn sông. Bộ TN-MT sẽ giám sát đặc biệt với DA này.