“Có nước sạch rồi!”

TPHCM còn gần 300.000 hộ dân chưa có nước sạch - đó là nỗi trăn trở của nhiều đại biểu HĐND TPHCM. Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ tại nhiều cuộc họp, và đến nay, việc đưa nguồn nước sạch về các khu dân cư đã có sự chuyển biến.
“Có nước sạch rồi!”

TPHCM còn gần 300.000 hộ dân chưa có nước sạch - đó là nỗi trăn trở của nhiều đại biểu HĐND TPHCM. Vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ tại nhiều cuộc họp, và đến nay, việc đưa nguồn nước sạch về các khu dân cư đã có sự chuyển biến.

Giã từ nước giếng

Rẽ vào hẻm 227 quốc lộ 50, lách xe qua con hẻm ngoằn ngoèo với 2 - 3 cái “xuyệt”, chúng tôi tìm đến nhà anh Phạm Tấn Tài ở số 227/30/10 sau khi nghe anh vui mừng báo tin: “Có nước sạch rồi!”. Anh Tài kể: “Gia đình tôi sống ở đây từ năm 1968 đến giờ, khốn khổ vì cảnh thiếu nước sạch. Hồi trước 1975 phải đi gánh nước ở ngoài đầu ngõ. Từ 1975 đến nay, vì không có nước sạch nên gia đình tôi và các hộ dân trong xóm nghèo này đành chấp nhận dùng đỡ nước giếng đóng do trạm cấp nước Bình Đăng cung cấp với giá cao. Mỗi tháng tiền nước gần 300.000 đồng, nhưng chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn nước nấu ăn vẫn phải mua nước thùng, vì nước giếng vừa hôi, vừa nhiễm phèn. Mới đây, hôm 7-9, ngành cấp nước đã xuống đào đặt đường ống đưa vào tận nhà các hộ trong con hẻm 227/30 này. Mừng quá!”. Chúng tôi chứng kiến niềm vui của các hộ dân ở đây. Một bác lớn tuổi chỉ những lằn phui vừa đào đặt ống cấp nước, hân hoan nói: “Có nước sạch, ai cũng mừng, từ nay giã từ nước giếng”.

Niềm vui của cư dân hẻm 227/30 quốc lộ 50 khi được sử dụng nước sạch

Cạnh nhà anh Tài không xa là nhà cô Võ Thị Hồng, ở số 227/30/5. Đang nấu ăn chuẩn bị cho bữa cơm gia đình, thấy chúng tôi ghé đến thăm hỏi, cô vui vẻ khoe: “Có nước sạch rồi! Mới gắn hôm qua, hôm nay xài liền. Có nước thủy cục mới dám làm cá, rửa rau, chứ lâu nay xài nước giếng thì đâu dám!”. Nghe bàn chuyện nước sạch kéo vào từng nhà, ông Năm ở số 227/30/9 chỉ nói một câu: “40 năm rồi mới có nước sạch, nên mừng lắm…”.

Chị Thanh ở số 13 đường số 6 (phường 6, quận 8) thuộc khu dân cư Bình Đăng cũng vui mừng báo tin: “Toàn bộ con đường này mới được đấu nối vào đường ống của thủy cục. Lâu nay phải xài nước giếng khổ lắm, phải lóng phèn, nhưng vẫn không đảm bảo vệ sinh. Bây giờ thì khỏe rồi!”. Anh Sang, quản lý khách sạn ở đầu đường số 7, kể: “Bao nhiêu năm xài nước giếng, khổ vô cùng. Nước giếng nhớt nhợt, đóng cặn đen thui, khách ở la quá trời, bỏ đi hết nhưng biết làm sao. Giờ có nước sạch là tụi tui cho súc rửa hồ để bơm nước thủy cục vào liền”.

Chạy đua với thời gian

Anh Mai Thanh Bình, Tổ trưởng Tổ tu bổ - sửa chữa thuộc Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, đang chỉ huy anh em công nhân đào đấu nối vào tuyến ống cấp nước sạch ở đầu đường số 7 thuộc khu dân cư Bình Đăng, cho biết: “Mấy hôm nay anh em chia làm nhiều tổ để đi đấu nối thay nguồn cấp nước. Trước đây, trạm Bình Đăng là trạm giếng bơm, cung cấp cho khu vực này. Nước giếng không đảm bảo chất lượng nên bây giờ công ty phải khẩn trương kéo ống, đưa nước sạch về cho dân. Tiến độ đấu nối khá khẩn trương, xong khu này là anh em triển khai qua mé Bình Hưng”. Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, cũng thông tin: “Để thực hiện Nghị quyết 28 của HĐND TPHCM, toàn công ty đã triển khai 49 dự án đưa nước sạch về cho dân vùng ven, vùng xa với số vốn đầu tư lên đến gần 270 tỷ đồng. Trong đó có 7 dự án đã thi công xong, đưa nước sạch đến những địa bàn bấy lâu nay không có nước sạch như Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Trị Đông A, Tân Tạo… và đã gắn đồng hồ trong tháng 7, 8 cho dân xong rồi. 34 dự án còn lại sẽ đưa nước về cho các phường Bình Hưng Hòa B, Tân Tạo A, Bình Trị Đông… Riêng địa bàn huyện Bình Chánh, công ty thực hiện thêm 8 dự án khác với nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng để đưa nước đến xã Tân Túc, An Phú Tây, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Phong Phú… Tổng cộng có 49 dự án, nay đã xong 7 dự án, còn 42 dự án sẽ phải hoàn tất vào cuối tháng 11 hoặc trễ lắm là đầu tháng 12 này - không kịp cũng phải kịp và chúng tôi đang cố gắng hết mình. Điều đó như một cam kết vì lẽ đến giờ này mọi quy trình, thủ tục chạy rất nhanh, các sở, ban ngành, quận huyện đều hỗ trợ hết mình, nên chúng tôi không có lý do gì để chậm trễ và không thể để dân tiếp tục xài nước giếng”.

THƯ LÊ 

Tin cùng chuyên mục