Có thể kiểm soát tai nạn sông nước

Lễ phát động Chương trình hành động Vì an toàn trẻ em trên sông nước do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức đã diễn ra ngày 14-6 tại Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, về hiểm họa tai nạn sông nước đối với trẻ em và trách nhiệm của cộng đồng.
Có thể kiểm soát tai nạn sông nước

Lễ phát động Chương trình hành động Vì an toàn trẻ em trên sông nước do Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức đã diễn ra ngày 14-6 tại Hà Nội. Nhân dịp này, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, về hiểm họa tai nạn sông nước đối với trẻ em và trách nhiệm của cộng đồng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tình hình tai nạn sông nước đối với trẻ em trong thời gian qua?

>> Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP: Tai nạn sông nước đối với trẻ em luôn là một vấn đề nhức nhối của cả cộng đồng. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 3.500 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm trên 50% tổng số tai nạn thương tích xảy ra. Đuối nước chủ yếu xảy ra ở cộng đồng (chiếm tới 69%), trong đó có nhiều vụ xảy ra ở trên môi trường sông nước và liên quan đến hoạt động giao thông vận tải đường thủy. Chúng ta còn nhớ nhiều vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra trong vài năm trở lại đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em như vụ đắm đò ở Cà Tang (Quảng Nam), ở bến đò Chôm Lôm (Nghệ An); chìm tàu Nhà hàng du lịch Dìn Ký (Bình Dương)... Bên cạnh đó, cứ vào mỗi dịp hè, những vụ tai nạn trẻ em đuối nước hết sức đau lòng lại liên tục diễn ra và gia tăng ở nhiều địa phương.

- Vậy ông kỳ vọng gì vào chương trình hành động do Ủy ban ATGT quốc gia vừa phát động?

Mục tiêu quan trọng nhất mà chúng tôi hướng tới là tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy và phòng chống đuối nước trẻ em, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và sự quan tâm của cộng đồng đối với an toàn cho trẻ em. Điều này rất quan trọng vì đã có rất nhiều vụ tai nạn trẻ em bị đuối nước là do sự bất cẩn của gia đình và của cộng đồng.

Trong năm 2013, chúng tôi sẽ hoàn thành công tác điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng tình hình trẻ em tham gia giao thông và sinh sống trên ven các tuyến đường thủy. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng và triển khai các tiêu chí về điều kiện an toàn cho trẻ em, bao gồm: địa bàn an toàn, bến an toàn, phương tiện an toàn, trẻ em tham gia giao thông đường thủy an toàn...

Cụ thể, theo chương trình hành động Vì an toàn trẻ em trên sông nước vừa được phát động, tới đây, chính quyền ở các cơ sở sẽ chỉ đạo đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân, nhà trường xây dựng, duy trì mô hình điểm “Cụm dân cư an toàn cho trẻ em” và “Mô hình tự quản đảm bảo TTATGT đường thủy với phòng chống đuối nước trẻ em”, mỗi tỉnh, thành phố sẽ xây dựng 1 - 2 mô hình rồi sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng.

- Những tai nạn đuối nước thương tâm vẫn xảy ra hàng ngày, vậy chúng ta sẽ ứng phó thế nào với tình trạng này?

Sắp tới, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ phối hợp với ngành văn hóa - thể thao và du lịch tiếp tục phát triển và nhân rộng phong trào phổ cập bơi lội cho học sinh các trường tiểu học, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên bơi lặn, hướng dẫn viên cứu đuối, mở một số lớp dạy bơi thí điểm ở các địa bàn trọng điểm... Đồng thời, sẽ phối hợp với ngành giao thông vận tải tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người đi đò mặc áo phao”; kêu gọi các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân trang bị cho học sinh thường xuyên phải đi học bằng phương tiện thủy áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với ngành y tế cải thiện hệ thống sơ cấp cứu trước khi đến bệnh viện, mở các lớp thí điểm về sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước. Theo kế hoạch, chương trình sẽ tập trung cao điểm từ nay đến hết năm 2015.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục