Có thể nghèo nhưng phải… bình yên

Ngày 28-1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2015 của Ban chỉ đạo 138/CP về phòng chống tội phạm (PCTP).
Có thể nghèo nhưng phải… bình yên

Ngày 28-1, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2015 của Ban chỉ đạo 138/CP về phòng chống tội phạm (PCTP).

Tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm trên 70%

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát PCTP, Bộ Công an cho biết, năm 2014 xảy ra gần 60.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, tăng 1,48% so với năm 2013, nhất là tội phạm trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý là nhiều loại tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng giảm (tội phạm giết người giảm gần 12%; cướp tài sản giảm gần 18%; chống người thi hành công vụ giảm trên 18%)... Tuy nhiên, số vụ giết người do nguyên nhân xã hội tuy giảm nhưng tăng tính dã man, tàn bạo, giết người thân trong gia đình, chặt xác phi tang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tội trộm cắp tài sản chiếm 45% trong tổng số vụ phạm tội.

Đáng ngại là tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm trên 70% và trên 60% tội phạm hình sự do người nghiện ma túy gây ra. Tội phạm hình sự gắn kết với tội phạm kinh tế, ma túy và sử dụng vũ khí, gần đây có sử dụng bom thư để trả thù...

 Lực lượng Công an và Dân quân trấn áp và bắt giữ tội phạm trên địa bàn TPHCM. Ảnh: TUẤN VŨ
Có thể nghèo nhưng phải… bình yên ảnh 2

Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng diễn biến phức tạp. Cùng với đó, tội phạm về ma túy hoạt động manh động, trắng trợn, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí nóng để chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, truy bắt. Năm 2014 đã phát hiện gần 20.000 vụ, tăng 8,4% so với năm 2013. Bộ Công an đánh giá, tội phạm về kinh tế và tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, gây thất thoát lớn.

Phát biểu làm rõ thêm về tình hình tội phạm, đại diện các địa phương như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... đều bày tỏ sự lo ngại trước xu hướng gia tăng, nổi lên của tội phạm ma túy, tội phạm có sử dụng vũ khí nóng, trắng trợn chống lại người thi hành công vụ.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong năm 2014 đã điều tra, khám phá trên 45.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý gần 87.000 đối tượng, đạt tỷ lệ trên 75%, riêng các vụ trọng án đạt trên 90%; triệt phá gần 3.000 băng nhóm tội phạm các loại; phát hiện, xử lý gần 14.000 vụ phạm tội tham nhũng và vi phạm pháp luật về kinh tế, nhiều hơn 14% so với năm 2013. “Trấn áp mạnh mẽ như vậy nhưng tại sao tội phạm vẫn gia tăng, nhất là tội phạm hình sự lại tăng 1,48%? Nhiều nơi chưa làm tốt phong trào toàn dân tham gia PCTP, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp. Trách nhiệm của bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành chưa rõ ràng khi để tội phạm lộng hành”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, có nguyên nhân chủ quan là do sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhưng cùng với đó là nhận thức, công tác đôn đốc về PCTP chưa quyết liệt. Vẫn còn tình trạng tiếp tay cho tội phạm, quản lý nhà nước còn nhiều sơ hở, nhất là ở những địa bàn trọng điểm…

Không để băng nhóm xã hội đen tồn tại

Năm 2015, Bộ Công an nhận định, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước sẽ gia tăng, nhất là trong thời điểm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc. Trong khi đó, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm có xu hướng gia tăng, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng vũ khí nóng, tội phạm ma túy, mua bán người, kinh tế, tham nhũng, môi trường... “Vì vậy, ngành công an sẽ tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp và truy nã các loại tội phạm, giải quyết các vấn đề phức tạp về tội phạm nổi lên trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đối tượng trọng điểm, tập trung ở 18 tỉnh, thành trọng điểm phức tạp”, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết.

Cảnh sát 113 TPHCM kiểm tra hành chính người dân lưu thông trên đường sau 23 giờ để kiểm soát tội phạm.

Từ thực tế PCTP hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, quan trọng nhất vẫn là quyết tâm PCTP của các cấp. “Chúng ta có thể nghèo hơn một chút về kinh tế nhưng cuộc sống bình yên còn hơn là giàu lên một tí nhưng trộm cắp, tội phạm lộng hành, người dân bất an. Trong bối cảnh tình hình tội phạm còn nhiều phức tạp như hiện nay, cần quyết tâm cao trong phòng ngừa tội phạm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. Tới đây, cần thực hiện nghiêm quy định nơi nào để tội phạm lộng hành, người đứng đầu nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cùng với đó là tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh nâng cao nhận thức, cảm hóa người phạm tội. Nâng cao hiệu quả công tác xét xử tội phạm, không để lọt tội phạm nhưng cũng không để oan sai. Tăng chất lượng xử lý tin nhắn tố giác tội phạm. Đặc biệt, phải đẩy mạnh triệt phá các băng nhóm tội phạm, các tổ chức xã hội đen, vì không thể để băng nhóm xã hội đen tồn tại. Cùng với đó, đẩy mạnh xử lý tội phạm mua bán người; buôn lậu, gian lận thương mại. Năm 2015 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cần tập trung bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Trước mắt bảo đảm cho nhân dân đón Tết Nguyên đán bình yên, an toàn.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục