Những ngày này, trên vùng đất Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đi đến đâu cũng nghe người ta truyền tai nhau câu chuyện về cử nhân Ma Hiêng (thủ khoa khối C kỳ thi tuyển sinh vào đại học Đà Lạt năm 2010 - 2011, người Churu) vừa tốt nghiệp đại học loại giỏi (ĐH Đà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định đặc cách tiếp nhận vào công tác trong ngành giáo dục tỉnh.
Ma Hiêng
Dùng dây rừng buộc sách, đậu thủ khoa
Ma Hiêng mồ côi bố khi mới chào đời. Vì gia đình nghèo nên trong số 5 chị em, mình Ma Hiêng học tới đại học, hai chị lớn chỉ học hết lớp 1, hai em trai đến lớp 6 thì cũng nghỉ giữa chừng. “Quê tôi có rất nhiều học sinh nghỉ học giữa đoạn, bỏ ở nhà làm rẫy với gia đình. Con gái 15 - 16 tuổi đã lấy chồng, sinh con. Tôi không đi học chắc giờ cũng mấy đứa con cắp nách rồi” - Ma Hiêng tâm sự. Ở tuổi 22, nhưng Ma Hiêng đã trải qua 13 năm học tập xa nhà. Năm học lớp 6, đi học tại trường dân tộc nội trú huyện, cô bé người Churu đen nhẻm chỉ biết thu mình trong căn phòng của khu nội trú không dám ra ngoài vì cuộc sống hoàn toàn mới lạ tại phố huyện. Đường từ trường nội trú về nhà khoảng 60km, ô tô chỉ vào tới trung tâm xã, rồi từ đó đi bộ, phải mất cả buổi mới về đến nhà. Việc đi lại vất vả nên cả năm Ma Hiêng mới về một vài lần.
Nhớ về những ngày tháng nuôi dưỡng con chữ, đến giờ Ma Hiêng vẫn không thể nào quên ký ức chân đất lội bùn đi học: “Hồi học cấp một, tôi đi học ở trường của làng cách nhà 5km. Hàng ngày cứ 5 giờ sáng, tôi cùng những đứa trẻ gần nhà phải đi qua những rẫy bắp, mùa khô những con đường mù mịt đất đỏ, mùa mưa thì sình lầy bùn đất. Ngày đó nghèo, đến ăn cũng không đủ bữa, không có dép để đi, không có cặp đựng sách vở, tôi dùng dây rừng để buộc sách, đến lớp 3 đạt thành tích học sinh giỏi tôi được trường thưởng cho cái cặp mới. Cũng chính khi đó, mẹ bắt nghỉ học ở nhà chăn trâu phụ gia đình, mẹ nói học để biết mua gạo, mua cá khô là được rồi... nhưng vì ham học tôi không chịu ở nhà, trốn đi học nên cuối cùng mẹ đành chịu theo”.
Thời gian sau này, đi học ở trường dân tộc nội trú tỉnh, Ma Hiêng ít có dịp về nhà, cô không ngừng cố gắng học tập, nhiều năm liên tục là học sinh giỏi. Tại kỳ thi học sinh giỏi Văn các trường dân tộc nội trú toàn quốc, cô đạt giải khuyến khích, từ đây ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn được vun đắp. Kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011, Ma Hiêng đã đạt tổng số 23 điểm, là thủ khoa khối C, Trường Đại học Đà Lạt.
Niềm tự hào của buôn làng
Dù thời gian học đại học, Ma Hiêng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp học bổng toàn phần nhưng cô vẫn tranh thủ đi dạy kèm vừa để có thêm thu nhập, vừa tích lũy kỹ năng sư phạm sau này được đứng trên bục giảng.
Đầu tháng 7-2015, Ma Hiêng tốt nghiệp đại học ngành sư phạm Ngữ văn loại giỏi. Sau đó, cô đến Sở GD-ĐT Lâm Đồng nộp hồ sơ xin việc nhưng phải quay về trong nỗi thất vọng do tỉnh không có chỉ tiêu tuyển dụng. Trở về nhà, nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, Ma Hiêng quyết định viết thư gửi tới Tỉnh ủy Lâm Đồng bày tỏ nguyện vọng được phục vụ trong ngành giáo dục, muốn truyền đạt kiến thức, giúp đỡ cho những học sinh dân tộc thiểu số như trước đây đã được học. Cô tâm sự: “Nếu tôi quay về làm ruộng thì mọi người ở quê nhà sẽ nghĩ việc đi học không thay đổi được cuộc sống, người lớn sẽ không chăm lo việc học của con cái họ. Trong khi đó, tôi lại muốn làm được nhiều điều, nhà nước nuôi tôi bao lâu nay, giờ tôi muốn cống hiến cho xã hội thật nhiều”.
Ngày 7-8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định đặc cách tiếp nhận (không qua thi tuyển) cử nhân Ma Hiêng vào công tác trong ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng, đồng thời giao Sở Nội vụ phối hợp Sở GD-ĐT khẩn trương hoàn thành thủ tục tiếp nhận và bố trí cử nhân Ma Hiêng vào giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trước thời điểm khai giảng năm học mới 2015-2016. Ma Hiêng háo hức: “Được trở lại trường cũ tham gia công tác giảng dạy, tôi sẽ cố gắng trau dồi thêm kiến thức, kinh nghiệm, được làm đồng nghiệp với thầy cô cũ, tôi rất hồi hộp, đây như một giấc mơ có thật trong cuộc đời tôi vậy”.
| |
ĐOÀN KIÊN