Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2014
Mối lương duyên với Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu bắt nguồn từ một chuyến thăm hết sức tình cờ vào năm 1989 đối với cô giáo viên trẻ Trần Hồng Điệp vừa tròn 25 tuổi.
Sau buổi tiếp xúc đặc biệt đó, cô giáo ấy đã quyết tâm đến với các em học sinh để gắn trọn đời mình cho ngôi trường đặc biệt này từ đó cho đến nay.
Cô Trần Hồng Điệp trong một giờ dạy môn Vật lý lớp 7.
Câu hỏi tại sao các em bị mù, bị đa tật vẫn có thể học được trong khi sự học đối với học sinh bình thường đã không hề dễ dàng luôn thường trực đối với cô giáo Điệp. Cũng chính từ sự tò mò và muốn có lời giải cho câu hỏi ấy, đã vô tình thôi thúc cô đến với ngôi trường có một không hai này. Ngay lần đầu tiên giảng dạy ở ngôi trường đặc biệt này, cô giáo trẻ đã bật khóc vì một em học sinh 15 tuổi học lớp 1 nhưng bị mù và chai xúc giác. Cô khóc vì không biết làm thế nào để giúp em nhận được mặt chữ vì cô đã cố gắng hết sức. Thế rồi sau nhiều buổi dạy, cô về phải mày mò lấy đinh đóng chữ nổi trên tấm bảng gỗ để cho em học sinh này nhận được mặt chữ. Và sự kiên trì, lòng nhiệt huyết ấy cuối cùng đã mang đến cho cô niềm vui sướng, hạnh phúc khi cậu học trò ấy đã đọc được chữ nổi và tìm lại được xúc giác.
Sau thành công bước đầu ấy, niềm đam mê và lòng yêu nghề, yêu học trò cùng với niềm hạnh phúc đã giúp cô trụ vững với nghề cho đến tận hôm nay và cô nguyện đây là cái nghiệp mình đã chọn nên không thể dứt được. Chính vì vậy, sau mỗi giờ đứng lớp, cô luôn tìm tòi, học hỏi tìm hiểu, nghiên cứu để tìm ra những giải pháp tối ưu hơn để giúp học trò học tập một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Một trong những sáng kiến mà cô đã áp dụng thành công đó là ứng dụng phần mềm quicktac về vẽ sơ đồ mạch điện (chữ nổi trên giấy) giúp học sinh khiếm thị học tốt phần điện học trong môn Vật lý lớp 7, 9. Cô tiếp tục học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia của quốc tế để áp dụng trong việc đánh giá thị giác chức năng cho học sinh nhìn kém…
Không chỉ được đánh giá giỏi về chuyên môn, cô Trần Hồng Điệp còn được tập thể sư phạm ở trường tín nhiệm vào vị trí chủ tịch công đoàn vì tác phong sư phạm mẫu mực, lối sống hòa đồng và giản dị. Đứng ở vị trí này, với tinh thần “dám nghĩ dám làm” cô đã luôn mạnh dạn đề xuất và trực tiếp xin cấp trên và lãnh đạo địa phương chấp thuận các giải pháp để cải thiện đời sống cho tập thể sư phạm của nhà trường.
Với sự cống hiến nhiệt thành ấy, cô Trần Hồng Điệp đã được nhiều bằng khen từ Bộ GD-ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND TPHCM trao tặng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và cấp thành phố.
THANH HÙNG