Coi chừng hợp đồng bị vô hiệu

Khác với pháp luật về hợp đồng của các nước, pháp luật Việt Nam rất coi trọng hình thức của hợp đồng. Theo đó, khi ký kết hợp đồng, ngoài việc đảm bảo các nội dung của hợp đồng không được trái với các quy định của pháp luật, các bên còn phải tuân thủ các điều kiện về hình thức hợp đồng. Nếu không thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Khác với pháp luật về hợp đồng của các nước, pháp luật Việt Nam rất coi trọng hình thức của hợp đồng. Theo đó, khi ký kết hợp đồng, ngoài việc đảm bảo các nội dung của hợp đồng không được trái với các quy định của pháp luật, các bên còn phải tuân thủ các điều kiện về hình thức hợp đồng. Nếu không thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.

Được người quen giới thiệu, ông B. mua lại căn nhà từ ông A. Hợp đồng được lập bằng văn bản có đầy đủ chữ ký của hai bên. Tuy nhiên, trong quá trình sang tên sổ đỏ, nhằm lấy lại nhà để bán cho người khác với giá cao hơn nhiều, ông A. lại làm đơn ra tòa án yêu cầu hủy thỏa thuận mua bán căn nhà giữa hai bên và yêu cầu ông B. phải trả lại nhà. Qua các cấp xét xử, tòa án chấp nhận yêu cầu hủy thỏa thuận mua bán căn nhà của ông A. và tuyên bố hợp đồng này vô hiệu. Lý do tòa án đưa ra là hợp đồng mua bán căn nhà chưa được công chứng theo quy định của pháp luật, điều này đã vi phạm quy định về hình thức hợp đồng. Theo đó, ông B. phải trả lại căn nhà cho ông A.; ngược lại, ông A. có nghĩa vụ trả lại cho vợ chồng ông B. tiền bán căn nhà đã nhận.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự, hình thức của hợp đồng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, nếu các bên không tuân thủ điều kiện này thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu, các bên sẽ hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, khôi phục tình trạng ban đầu, ngoài ra bên có lỗi gây thiệt hại còn phải bồi thường. Tuy nhiên, để đảm bảo sự linh hoạt cho các bên trong giao dịch, Điều 134 Bộ luật Dân sự cũng đưa ra hướng giải quyết đối với các giao dịch không tuân thủ điều kiện về hình thức, đó là tòa án sẽ cho các bên một thời hạn nhất định để các bên thực hiện theo đúng hình thức quy định, quá thời hạn mà các bên không thực hiện thì giao dịch mới bị vô hiệu.

Trước thực trạng một số bên lợi dụng kẽ hở của pháp luật vi phạm nguyên tắc thiện chí khi giao kết hợp đồng như trong thí dụ nêu trên, dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự đã đưa ra đề xuất sửa đổi Điều 134 của Bộ luật Dân sự hiện hành như sau: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo nhưng không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao vật, tiền hoặc đã thực hiện công việc thì giao dịch dân sự vẫn có hiệu lực; trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó”. Có thể thấy, việc thay đổi bổ sung như dự thảo là hoàn toàn hợp lý. Điều luật này góp phần ổn định lại trật tự trong quan hệ dân sự, tránh trường hợp một bên chủ thể lợi dụng quy định hợp đồng vô hiệu để vi phạm cam kết, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bên còn lại. Cụ thể ông B. trong thí dụ nêu trên sẽ không có lý do gì để từ chối việc công chứng, ông B. buộc phải hoàn tất thủ tục về hình thức theo luật định và thực hiện tiếp tục các nghĩa vụ đã cam kết với ông A.

Một trong những nguyên tắc để thiết lập giao kết hợp đồng là dựa vào sự thiện chí, trung thực của các bên. Sự thiện chí và trung thực chính là cơ sở để các bên thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng. Quy định sửa đổi về nội dung liên quan đến “giao dịch dân sự sẽ không bị vô hiệu do không tuân thủ về hình thức trong một số trường hợp nhất định” sẽ khắc phục được nhược điểm của Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005 hiện hành, tạo ra cơ chế mới để bảo vệ quyền lợi cho bên thiện chí khi tham gia giao dịch dân sự đồng thời đảm bảo sự phù hợp với mục đích của quy định về điều kiện hình thức của giao dịch dân sự.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục