Coi chừng tai nạn thương tích ở trẻ

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp nghỉ hè, các bệnh viện (BV) chuyên khoa nhi tại TPHCM lại “vào mùa” cấp cứu, xử trí trẻ bị tai nạn. Không chỉ gây nguy cơ tử vong, tai nạn thương tích còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề, biến trẻ thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. 
Phụ huynh đóng vai trò to lớn trong việc phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ
Phụ huynh đóng vai trò to lớn trong việc phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ

Sơ sẩy, trẻ nguy kịch

Vừa mới nghỉ hè một tháng nay nhưng ghi nhận tại một số BV, nhiều bệnh nhi bị tai nạn thương tích được đưa vào cấp cứu. Tại Khoa Bỏng - Chỉnh hình (BV Nhi đồng 2), bé N.T.T. (11 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đang phải lò dò từng bước đi khi chân phải băng kín. Theo lời kể của mẹ bé, vừa được nghỉ hè, bé xin ba mẹ cho về nhà nội chơi. Trong lúc chơi trốn tìm trên gác, bé nhảy qua tấm trần la phông nhưng bị rớt xuống đất và chân bị gãy ở phần đùi, cẳng chân, mặt bị rách một đường dài.

Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi bị hóc dị vật

Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (BV Nhi đồng 2), cho biết đây chỉ là một trong số rất nhiều tai nạn bất ngờ mà BV tiếp nhận trong dịp nghỉ hè.

“Tai nạn mùa hè thường rơi vào trẻ ở thành phố khi về quê chơi, do chưa quen môi trường, ít kinh nghiệm nên dễ gặp sự cố như trèo cây bị té, ngạt nước khi tắm ao hồ, chọc phá ong bị chích… Trong khi đó, trẻ ở nhà hiếu động, hay táy máy thường gặp các tai nạn như té ngã, bị bàn ghế, tủ, ti vi đè, bỏng nước sôi, bỏng lửa, điện giật, uống nhầm hóa chất…”, bác sĩ Thu cho hay.

Mới đây, BV Nhi đồng Thành phố đã phải thắt thòng lọng nội soi gắp que kẹo nhựa dài hơn 7cm ra khỏi dạ dày bệnh nhi T.M.K. (7 tuổi, ngụ Long An). Mẹ bệnh nhi cho biết, bé nằm mút kẹo ngủ quên, khi phát hiện thì bé đã nuốt trôi que kẹo vào họng. Theo bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng khoa Tiêu hóa, trưởng ê kíp nội soi, nếu không được xử lý đúng và kịp thời, bệnh nhi sẽ bị nhiễm trùng và viêm dạ dày với nhiều hệ lụy khó lường. 

Tăng an toàn cho trẻ

Theo các bác sĩ nhi khoa, tai nạn thương tích ở trẻ rất phổ biến, nhất là dịp hè. Những tai nạn thường gặp như đuối nước, bỏng, gãy tay chân, chấn thương phần mềm hầu như ngày nào cũng gặp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, tai nạn thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu.

Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 900.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích, tương đương với gần 2.500 trẻ tử vong mỗi ngày và mỗi giờ có hơn 100 trẻ tử vong. Còn tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 8.000 trẻ tử vong vì tai nạn thương tích, phần lớn là do các tai nạn trong đời sống sinh hoạt thường ngày như: bỏng, ngã, ngộ độc thuốc, đuối nước...  

Theo thống kê của BV Nhi đồng 2, các tháng hè năm 2018, BV tiếp nhận 806 ca tai nạn chấn thương. Còn tại BV Nhi đồng 1, 3 tháng hè 2018, BV tiếp nhận 8.383 ca tai nạn thương tích các loại. Tai nạn liên quan chấn thương chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nuốt dị vật, bỏng do điện giật, tai nạn giao thông, côn trùng cắn, đuối nước…

Theo bác sĩ Nguyễn Cẩm Tú, do nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, trẻ em thường bị hóc dị vật thực quản dạ dày với triệu chứng như đau họng, vướng ở họng, đau vùng ngực, đau bụng…, dễ gây nhầm lẫn với bệnh đau dạ dày thông thường. Khi bị hóc dị vật, ngoài biết cách sơ cứu đúng và kịp thời, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh có phương tiện nội soi để mau chóng lấy dị vật ra đúng cách.

Tin cùng chuyên mục