Con công nhân gian nan việc học

Khảo sát tại những dãy nhà trọ công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), cho thấy có nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường, hàng ngày phải đi bán vé số, đậu phộng… Thu nhập của công nhân thấp, trong khi vật giá leo thang, tiền học và các khoản phí cho con ăn học tăng đến chóng mặt, việc chạy vạy xin cho con được đến trường cũng khó, nên nhiều gia đình công nhân không thể cho con đến trường. 
Con công nhân gian nan việc học

Khảo sát tại những dãy nhà trọ công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), cho thấy có nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường, hàng ngày phải đi bán vé số, đậu phộng… Thu nhập của công nhân thấp, trong khi vật giá leo thang, tiền học và các khoản phí cho con ăn học tăng đến chóng mặt, việc chạy vạy xin cho con được đến trường cũng khó, nên nhiều gia đình công nhân không thể cho con đến trường. 

Nan giải việc cho con đến trường

Trong thời gian qua, tình trạng thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con công nhân tại các KCN đã được đưa ra mổ xẻ, tìm cách giải quyết. Hiện nay, một số công ty trong các KCN đã quan tâm xây dựng nhà trẻ, đáp ứng được phần nào nhu cầu gửi con của công nhân. Tuy nhiên, khi con công nhân vào tiểu học và trung học, đường tới trường gian nan hơn nhiều.

Số lượng con công nhân trong độ tuổi đi học rất đông nhưng thực tế không dễ tìm được trường phù hợp cho con học. Quanh các KCN, trường học đã ít, lại khá xa, các khoản thu phí cao, nhiều trường còn đòi hỏi phải có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 mới cho nhập học. Các trường luôn trong tình trạng quá tải nên việc lo cho con vào được lớp 1 đối với những gia đình công nhân là chuyện nan giải. Không ít công nhân đành gửi con về quê để đi học tiếp.

Trường hợp xin cho con vào được trường gần KCN, cũng chưa phải là ổn. Thu nhập thấp khiến công nhân phải đau đầu và vất vả chạy tiền lo cho con ăn học, nhất là trong thời đang nở rộ chuyện “học thêm tự nguyện”.

Nhiều trẻ em con công nhân dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vẫn khao khát được học chữ.

Nhiều trẻ em con công nhân dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vẫn khao khát được học chữ.

Anh Trần Khắc Lợi, công nhân may ở KCX Tân Thuận, lo lắng: “Lương hai vợ chồng tăng ca cả thảy 5,4 triệu đồng, nhưng đầu năm đóng tiền ăn học và các khoản phí cho con gái mới vào lớp 1 đã hết 3 triệu đồng, nghe đâu còn đóng nữa”. Nhiều con công nhân sau khi hết lớp lá ở trường mẫu giáo lại không được vào tiểu học vì cha mẹ không lo nổi việc nuôi ăn học, phải tạm về quê một vài năm.

Chị Nguyễn Thị Thái, công nhân may Hepza (Thủ Đức) kể: “Cả hai vợ chồng đều làm tăng ca, có khi đến 23 giờ nên không thể đi đón con, mà trường học cách công ty tới 15km. Vợ chồng tôi đành phải cho cháu về quê ở với nội, tạm nghỉ học 1 năm. Năm sau cháu lớn hơn, tan trường có thể tự về nhà được, tôi mới yên tâm đón cháu vào cho đi học”.
 
Những năm gần đây, khi tình hình kinh tế suy giảm, nhiều công ty giảm lao động, do vậy càng có thêm nhiều trường hợp con công nhân phải bỏ học giữa chừng vì cha mẹ mất việc. Công nhân Vũ Mạnh Thìn than: “Năm trước công ty ở KCX Tân Thuận giảm lao động, vợ chồng tôi phải chuyển về KCN Tân Bình xin việc làm mới. Con gái đang học lớp 4 đành nghỉ giữa chừng để theo cha mẹ. Về nơi ở mới xin học cho con quá khó khăn lại tốn kém, thu nhập thiếu hụt do những tháng thất nghiệp chưa xoay xở được nên từ đầu năm tới giờ cháu vẫn phải ở nhà. Năm tới nếu không xin cho cháu đi học được, tôi đành gửi cháu về quê nhờ anh trai nuôi để cháu được tới trường”.
 
Khi trẻ em không được đi học

Với các trẻ em là con công nhân không được đến trường, ở nhà chơi cũng chán, một số la cà tụ tập thành từng nhóm quậy phá. Ở tuổi lên 9, Đặng Văn Hậu (quê Phù Cát, Bình Định) chưa hề biết mặt chữ nhưng đã chơi game rất thuần thục. Ba mẹ đi làm cả ngày, hàng ngày cho ít tiền để tự ăn trưa, nhưng Hậu dùng tiền ăn để chơi game, đói quá thì về nhà ăn cơm nguội.

Không chỉ bị thất học, có nhiều trẻ em con công nhân đã phải lam lũ vào đời sớm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, như đi phụ việc tại quán ăn, bán vé số hay lượm ve chai. Phải bỏ học nửa chừng, ban đầu cháu Cao Quỳnh Nga đi xin vỏ lon bia ở các nhà xung quanh để gom lại bán, rồi chuyển sang đi lượm vỏ lon bia ở các quán nhậu hay bới tìm trong các túi rác, mấy tháng nay cháu đi bán vé số quanh khu Bình Lợi. Còn con gái anh Vũ Mạnh Thìn cũng phải đi phụ bán quán chè cho một người cùng quê.

Không ít trường hợp gia đình công nhân không lo được cho con tiếp tục đi học đã mượn giấy tờ người khác để xin cho con đi làm công nhân tại các KCN dù con chưa đến tuổi lao động. Ở tuổi 15-16 nhưng N.T.H. và N.H.T. (quê Quảng Trị) đã có thâm niên làm công nhân 2 năm tại một công ty ở Bình Dương dưới tên của hai người chị họ ở quê. Hai cháu cho biết, một mình mẹ lao động vất vả với lương công nhân may và nhận hàng may thêm tại nhà không đủ ăn cho 4 mẹ con, do vậy các cháu gắng làm để phụ mẹ.

Các con công nhân bị thất học liệu có thể có tương lai khá hơn cha mẹ mình? Dễ có câu trả lời buồn cho câu hỏi này. May mà vẫn còn nhiều tấm lòng quan tâm chăm chút cho những trẻ em tại các khu nhà trọ của công nhân không được đến trường, giúp các cháu trang bị chút kiến thức để làm hành trang vào đời.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục