Cùng với các hoạt động chăm lo tết cho những người khó khăn, cơ nhỡ tại TPHCM, 60 phần quà tết (trị giá 1 triệu đồng/phần) từ sự ủng hộ của Công ty Suntory PepsiCo VN đã được Báo SGGP trao tận tay các gia đình chính sách khó khăn của huyện Côn Đảo.
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lý Việt Trung trao quà tết tặng gia đình chính sách, gia đình khó khăn huyện Côn Đảo
1. Buổi trao quà tết diễn ra trong không khí ấm cúng, thân mật. Hai phần ba số người có mặt thuộc diện chính sách, đa phần là thương binh, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày và mẹ, vợ liệt sĩ. Trẻ nhất trong số đó là chị Võ Thị Hoa (37 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, vợ liệt sĩ Nguyễn Đình Việt. Anh Việt hy sinh năm 2010, trong lúc làm nhiệm vụ tháo gỡ bom mìn ở ĐăkNông. Trở thành vợ liệt sĩ khi con gái chưa tròn 4 tuổi, chị đưa con ra Côn Đảo lập nghiệp từ năm 2012. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hoa chân thành: “Được sự quan tâm của chính quyền, công việc và cuộc sống của mẹ con tôi đã ổn định. Chỉ có nơi ở là đang trú tạm trong khu tập thể của trường. Nghe nói sắp tới khu tập thể này sẽ giải tỏa, tôi cũng chưa biết tính sao. Rất mong được lãnh đạo huyện quan tâm để mẹ con tôi yên tâm mà an cư, lạc nghiệp”.
Ngồi cạnh chị Hoa là anh Lưu Hữu Chung, quê ở Nghệ An, hiện công tác tại Ban Quản lý Cảng Bến Đầm. Anh Chung nhập ngũ năm 1981, chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia. Sau khi phục viên với cấp bậc đại úy, anh đưa gia đình ra Côn Đảo lập nghiệp, được chính quyền xây tặng nhà tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng, rồi gắn bó đến nay.
Có tên trong danh sách các hộ gia đình còn khó khăn, ở tuổi 88, cụ Thia Kim Bê, dân tộc Khmer, dù mắt kém phải nhờ con gái đưa đi, nhưng vẫn rất minh mẫn khi kể về thời gian cụ làm giám thị ở nhà tù Côn Đảo. Sau giải phóng, cụ được nhà nước cho đi học tập một thời gian ngắn và vận động ở lại làm ăn sinh sống, được mua rẻ trâu bò để bắt đầu gầy dựng cuộc sống mới. Hiện giờ, con cháu đều đã an cư ở huyện đảo này; cụ luôn nói về Đảng và chính quyền với lòng biết ơn sâu sắc.
Lọt thỏm giữa hội trường là một bé trai gầy gò, nhút nhát trong màu áo đồng phục học sinh. Em tên Ngô Văn Hiếu, học lớp 8 Trường THCS Võ Thị Sáu, đến nhận quà thay cha là anh Ngô Xuân Lộc. Anh Lộc gặp nạn trong một lần đi lặn biển kiếm sống, bị liệt chân đã 6 - 7 năm qua. Lâm vào cảnh khó, mẹ em bỏ đi; người chị ruột của anh Lộc đã dang tay lo lắng cho cha con anh dù chị cũng nặng gánh gia đình riêng của mình. Trước hoàn cảnh ngặt nghèo, Huyện đoàn đã xét cấp học bổng, đỡ phần học phí cho em Hiếu suốt nhiều năm qua để em có thể tiếp tục đến trường.
Điều đặc biệt là gần như tất cả những người chúng tôi gặp và trò chuyện đều có chung một nhận xét “chính quyền địa phương đã chăm lo rất tốt cho đời sống người dân, nhất là những gia đình chính sách, có công với cách mạng”.
2. Sau buổi trao quà, chúng tôi được hướng dẫn tham quan vòng quanh Côn Đảo. Đến với Côn Đảo, không thể không đến thăm di tích Chuồng Cọp, từng là “địa ngục trần gian”, nơi ghi dấu biết bao ý chí kiên cường, lý tưởng và sức chịu đựng của con người, để thấu hiểu những mất mát, hy sinh của lớp lớp cha anh vì nền độc lập nước nhà. Đến với Côn Đảo, không thể không đến viếng Nghĩa trang Hàng Dương, nơi quy tập 1.912 ngôi mộ, trong đó có 25 mộ tập thể của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng yêu nước đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc. Đặc biệt trong số đó là ngôi mộ chị Võ Thị Sáu, người con gái đất đỏ kiên cường, bất khuất, khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Hàng đêm, mộ chị Sáu rất đông người thành kính đến viếng. Đến với Côn Đảo, để thấy cuộc sống thanh bình với cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và những con người chân chất, hiền hòa. Người dân Côn Đảo, đến từ khắp các vùng miền Tổ quốc, chọn Côn Đảo là quê hương thứ hai, đều đang nỗ lực vươn lên khẳng định mình, chủ yếu bằng dịch vụ - du lịch.
Với những điều được tận mắt chứng kiến về “một địa ngục trần gian” ngày trước đang chuyển mình thành thiên đường du lịch và tâm linh, hoàn toàn có thể tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng hơn gấp nhiều lần. Xin dẫn lời chia sẻ ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo: “Những ngày đầu, tôi ra đảo để thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước đã tin cậy giao cho những người trẻ tuổi, xông xáo. Sau hơn 20 năm gắn bó, gầy dựng công việc, gia đình trên mảnh đất này, có vẻ như người tận tâm với đất, đất cũng đã chọn người, tôi nguyện cống hiến trọn vẹn sức lực và tâm huyết của mình để góp phần xây dựng Côn Đảo ngày một giàu đẹp hơn, để người dân nơi đây có một cuộc sống thanh bình và đủ đầy hơn nữa!”.
LÊ NHUNG