Đó là khẳng định của Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Quang Đạo (ảnh), Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên SGGP. Theo đó, sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm và chuẩn bị về mọi mặt, ngày 23-10-1961, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay), đánh dấu sự ra đời của tuyến chi viện chiến lược Bắc – Nam trên biển. Từ đây, các địa phương ven biển miền Nam, chiến trường Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ đã nhận được sự chi viện trực tiếp của miền Bắc, tạo nên sức mạnh và niềm tin to lớn cho các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam.
* Phóng viên: Là nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, xin Thiếu tướng đánh giá một cách tổng quát về ý nghĩa của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?
* Thiếu tướng, PGS-TS VŨ QUANG ĐẠO: Đây là vấn đề được các nhà khoa học, nghiên cứu lịch sử nói đến rất nhiều. Theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của con đường này là biểu tượng của sức mạnh Việt Nam trên biển trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Sức mạnh thể hiện trên mấy vấn đề sau: Đó là ý chí, quyết tâm và bản lĩnh của quân đội và nhân dân Việt Nam; biểu hiện khả năng vận dụng tất cả các sức mạnh của toàn dân và toàn quân, trong đó lực lượng của Đoàn 125 là những người tiêu biểu. Sức mạnh tổng hợp đó được hình thành từ những người đóng tàu, người làm bến, bốc xếp, bảo quản hàng hóa... Đó là sức mạnh của toàn dân tộc, chứ không riêng gì Đoàn 125; và đó cũng là ý nghĩa lớn nhất của con đường huyền thoại này.
* Có thể so sánh như thế nào về con đường Hồ Chí Minh trên biển và đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trên bộ, thưa Thiếu tướng?
* Hai con đường này như “anh em sinh đôi”, hỗ trợ lẫn nhau để chi viện một cách đầy đủ, toàn diện cho chiến trường miền Nam. Trong khi con đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh trên bộ đã vận chuyển rất nhiều hàng hóa, vũ khí vào miền Nam, nhưng vẫn không thể vươn tới những địa phương ven biển, duyên hải miền Trung và Nam bộ thì con đường trên biển đã làm được điều đó.
Về khối lượng vận chuyển, tuy không nhiều bằng đường bộ, nhưng tính hiệu quả của đường trên biển thấy rất rõ. Thông qua con đường này, chúng ta đã nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, nhất là những địa phương ven biển Nam bộ. Không chỉ nối liền bằng vật chất mà bằng tình cảm với ý chí, quyết tâm và sự đoàn kết, thống nhất giữa 2 miền. Mỗi chuyến tàu cập bến là gửi gắm tất cả niềm tin vào miền Nam và đó là sự động viên rất lớn cho quân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến.
* Nhiều người cho rằng, con đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, chưa có tiền lệ trên thế giới. Theo Thiếu tướng, đâu là sự độc đáo, chưa có trong tiền lệ đó?
* Thực ra so sánh kiểu này thường khập khiễng. Thế nhưng nếu nhìn toàn diện về lịch sử quân sự thế giới, đúng là Việt Nam chúng ta có sự độc đáo trong việc xây dựng con đường này. Trên thế giới, nhiều nước cũng đã hình thành những tuyến vận tải quân sự chiến lược trên biển tương tự, ví dụ như trong chiến tranh thế giới thứ 2, khi TP Leningrad bị phát xít Đức bao vây, Liên Xô cũng đã tổ chức tuyến đường chi viện trên biển Baltic cho thành phố này; cũng trong chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ và Anh cũng đã có những tuyến đường vận tải biển tương tự; ở Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta cũng đã thực hiện ở Thanh Hóa, Nghệ An...
Tuy nhiên tính quy mô và sự liên tục, lâu dài thì không đâu có được như ở đường Hồ Chí Minh trên biển. Đó là 14 năm liên tục (chỉ có một vài giai đoạn ngắn tạm dừng), với sự tham gia của đủ mọi thành phần, cả quân đội và nhân dân. Trong khi những tuyến đường nói trên, kể cả của Liên Xô, Mỹ, Anh đều chỉ do quân đội thực hiện trong một thời gian nhất định.
Sự độc đáo của con đường này còn thể hiện sự làm chủ vùng biển, cũng như tính mưu trí sáng tạo của quân dân ta trong việc mở đường, vừa vận chuyển, vừa đánh địch và có hiệu quả rất lớn. Về mặt nghệ thuật quân sự, đây là nét hết sức độc đáo, chưa từng có lịch sử quân sự thế giới.
* Chúng ta nói nhiều đến việc phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển đối với việc bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế biển đảo hiện nay. Vậy theo Thiếu tướng, đâu là bài học lớn nhất và cần phải phát huy nhất hiện nay?
* Đó chính và việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Sức mạnh đó thể hiện trước hết ở sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của tập thể những nhà lãnh đạo đất nước, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc trong tình hình và điều kiện mới. Sức mạnh đó cũng thể hiện ở chỗ, chúng ta phải xây dựng bằng được lực lượng vũ trang hùng hậu. Không nhất thiết phải số đông, nhưng lực lượng đó có tiềm lực, sức mạnh cụ thể và hoạt động hiệu quả.
Mặt khác, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chúng ta sẽ luôn trên dưới đồng lòng, chung sức trong mọi vấn đề của đất nước. Giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, có được sức mạnh toàn dân đó, nhất định chúng ta sẽ làm chủ được biển đảo trong tình hình mới.
TRẦN LƯU (thực hiện)