
Chất lượng giáo dục nói chung và đại học nói riêng là một vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nhìn chung chất lượng giáo dục đại học của nước ta còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Đã có khá nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên đến nay chất lượng giáo dục đại học vẫn chưa có bước phát triển mạnh mẽ.
Chương trình, giảng viên và sinh viên: Số 1
Đến nay vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào về việc sử dụng đội ngũ cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học đã được sử dụng như thế nào, hiệu quả đến đâu. Nhưng theo “phản hồi” chủ yếu từ các doanh nghiệp, đơn vị nhất là các công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam thì sinh viên mới ra trường chưa đủ khả năng để đáp ứng ngay công việc được giao mà phải qua một thời gian tiếp cận với thực tế hoặc qua các khóa đào tạo ngắn hạn do chính các đơn vị này tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài (thứ 2 bên phải) tham quan gian triển lãm thiết bị giáo dục phục vụ năm học mới của NXB Giáo Dục tại TPHCM.
GS TSKH Đỗ Trần Cát nêu lên một thực tế buộc chúng ta phải suy nghĩ. Trong các thập niên 70, 80 người Việt Nam đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài chỉ cần có bằng đại học, sang đến thập kỷ 90 các nước yêu cầu chúng ta muốn học nghiên cứu sinh phải có bằng thạc sĩ.
Và hiện nay một số nước phát triển lại yêu cầu phải có bằng thạc sĩ của họ sau đó mới được nhận vào làm nghiên cứu sinh, mặc dù những người này đã có bằng thạc sĩ của Việt Nam. GS Cát cho rằng, những dấu hiệu ấy cho thấy chương trình học của chúng ta cần phải xem xét lại, có nguy cơ tụt hậu.
Có hàng loạt yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục đại học nhưng vẫn tựu trung lại một số nội dung cơ bản: chương trình, thầy giáo, chất lượng sinh viên. Có ý kiến cho rằng, chương trình có nhiều bất cập, nhưng việc sửa đổi đã và đang được tiến hành không hiệu quả. Chẳng hạn vấn đề giảng dạy các môn khoa học xã hội trong các trường công nghệ.
Việc dạy các môn triết học, chính trị… trong các trường đại học là cần thiết, nhưng không thể với thời lượng quá nhiều trong tương quan với các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật, vì mục tiêu chính của các trường này là dạy công nghệ. Việc này đã được kiến nghị thay đổi nhiều lần nhưng chưa được thực hiện.
Chất lượng sinh viên đầu vào quá thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo. Hiện nay bên cạnh một số trường “tốp trên” có đầu vào khá nhưng cũng có khá nhiều trường chất lượng đầu vào quá kém, thậm chí tổng ba môn thi tuyển sinh chỉ 7 điểm cũng có thể trở thành sinh viên đại học!
GS TSKH Lê Ngọc Trà cho rằng, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ nhà trường, muốn nâng cao chất lượng giáo dục đại học đầu tiên phải nâng cao chất lượng giáo viên. Thầy giỏi thì trò giỏi. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng thực tế chúng ta không làm được và ở các trường đại học chỉ biết nguồn đầu tiên để có được thầy giỏi là giữ sinh viên giỏi ở lại trường. Nhưng từ nhiều năm qua những sinh viên được giữ lại trường có thực sự giỏi hay không?
Tại một cuộc hội thảo về vấn đề đào tạo người thầy, một vị giáo sư khá nổi tiếng cho rằng: trong bốn “loại thầy” là thầy tu, thầy giáo, thầy cãi (luật sư) và thầy thuốc thì thầy giáo được đào tạo trong thời gian ngắn nhất (4 năm). Trong khi đó, vai trò của thầy giáo có vai trò quan trọng số một vì có tính quyết định đến sự phát triển nhân cách, trình độ của nhiều thế hệ. Điều này làm cho mọi người phải suy nghĩ đến chương trình đào tạo của chúng ta.
Cần có hệ thống quản lý chất lượng
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học có nhiều vấn đề cần phải làm. Tuy nhiên, ba vấn đề cần phải ưu tiên giải quyết trước là chương trình, giảng viên và sinh viên. GS Đỗ Trần Cát cho rằng, cần một chương trình duy nhất cho mỗi ngành học từ CĐ, ĐH đến cao học.
Giảm quy mô đào tạo hiện nay vì quá khả năng thực tế của Việt Nam. Quy mô đào tạo phải phù hợp với khả năng thực tế của đất nước (cơ sở vật chất, yêu cầu của nền kinh tế, chất lượng học sinh phổ thông…). Không thể căn cứ vào chỉ tiêu số sinh viên/số dân của các nước phát triển để đưa ra chỉ tiêu cho ta.
Phải đào tạo cho sinh viên khả năng tự học, phương pháp giảng dạy ở đại học là dạy làm sao để sinh viên có thể tự học được, biết cách tự học, biết cách tự đọc sách, tự nghiên cứu, tự suy nghĩ.
Trong quá trình đào tạo cũng cần có tính đào thải, nếu trong quá trình học sinh viên không đáp ứng yêu cầu đặt ra thì cũng cần có hướng giải quyết cho hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác chúng ta cần phải thay đổi mới có thể đưa chất lượng giáo dục đại học đi lên.
Theo PGS TS Lương Ngọc Toản, cần giao quyền tự chủ cho các trường đại học, các trường chịu trách nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy, tự chủ về tiền… Các trường cần có hệ thống quản lý chất lượng bởi lẽ muốn có chất lượng phải có hệ thống quản lý chất lượng.
Sự yếu kém về trang thiết bị ở các trường đại học cũng là rào cản ghê gớm để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chúng ta không thể đào tạo sinh viên giỏi về kỹ năng thực hành trong khi máy móc quá tụt hậu.
Thạc sĩ Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM kể một chi tiết khá thú vị. Ở các nước phát triển, các trường đào tạo kỹ sư thực hành thường đầu tư máy móc để sinh viên học theo kiểu phải hiện đại hơn các thiết bị mà phần lớn nhiều doanh nghiệp đang sử dụng để sinh viên “đi tắt đón đầu” về mặt công nghệ, trong khi đó phần lớn máy móc, thiết bị để sinh viên nước ta thực hành đã có từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước.
Nhiều ý kiến của các nhà giáo cũng cho rằng, cần đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thông dụng trong giao tiếp, nghiên cứu khoa học để tiếp cận trực tiếp kiến thức và khoa học; xem đại học như là doanh nghiệp với tư tưởng “ Doanh nghiệp ở đây không có nghĩa là lấy mục đích đeo đuổi lợi nhuận mà chính là tìm kiếm lợi nhuận để đeo đuổi lợi ích cộng đồng”.
Những ý kiến trên cho thấy, con người và cơ chế chính là yếu tố quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
ĐỖ MINH QUÂN