
"27 Tết âm lịch năm 2006, chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới, nếu bà ấy ráng thêm chút nữa thì đã được vinh dự đeo huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Tôi mua tặng bà bó hoa, muốn động viên bả vượt qua bạo bệnh để đón tin vui. Không ngờ…”. Sống mũi ông đỏ ửng khi nhắc đến người bạn đời chung thủy. Sau ngày bà mất, ông trích 10 triệu đồng từ tiền phúng điếu để xây nhà tình thương tặng dân nghèo, như chút dấu ấn để lại của bà với cuộc đời và cũng để xẻ chia với người kém may mắn. Những người quen biết ông không lạ với cách hành xử ấy, bởi họ đã quen với cách làm nhiều việc nghĩa của ông, ông Hai Kỷ - Võ Tiến Kỷ (ảnh) nguyên Giám đốc Tổng Công ty bia rượu nước giải khát miền Nam, ngụ 621/6 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6.

Ông được mọi người coi như tấm gương mẫu mực, một đảng viên lão thành cống hiến nhiều cho Đảng, cho dân. Tuy đã gần 90 tuổi (60 năm tuổi Đảng) nhưng nhờ chăm tập thể dục, da dẻ ông vẫn rất hồng hào, trí tuệ minh mẫn. Ông vẫn đọc sách báo hàng ngày và chăm làm từ thiện.
Ông bảo: “Đời tôi nợ nhân dân nhiều lắm! Nhớ những năm hoạt động cách mạng ở Đồng Tháp, tôi phải núp dưới hầm bí mật của chị Năm Thất. Có thằng chỉ điểm, địch đến bới tung nhà nhưng chị nhất định không khai. Điên tiết quá, chúng tra tấn chị vô cùng dã man rồi quẳng chị xuống sông. Lòng tôi đau như cắt… Khi tôi làm Trưởng Công an huyện Cái Bè, Tiền Giang, giặc Pháp đã treo hình tôi và ra giá 5.000 đồng Đông Dương cho ai bắt được. Lúc đó, ranh giới giữa cái chết và sự sống mỏng manh hơn sợi tóc. Nếu không có nông dân bao bọc, che chở, làm sao tôi có thể sống đến ngày hôm nay…!”.
Tập kết ra Bắc, ông đã sống và lao động với công nhân. Khi được bố trí làm Giám đốc Nhà máy Bia Hà Nội, cứ 1 tuần, ông lại xuống xưởng lao động với anh em công nhân 1 lần. Việc gì ông cũng thạo: từ nấu, lọc, lên men, chiết, kiểm tra chất lượng bia. Ông đã cùng tập thể Nhà máy Bia HN sản xuất ra chai bia đầu tiên của Việt Nam mang tên Trúc Bạch, sau đó đổi tên thành Hữu Nghị. Trong lô sản phẩm đầu tiên ấy, ông đã gửi biếu Bác Hồ một két bia để Bác thưởng thức và đánh giá chất lượng. Sau đó không lâu, qua thư ký Vũ Kỳ, Bác có gửi đến cho anh em nhà máy một lá thư, đại ý: Bác rất hoan nghênh các chú cố gắng làm ra chai bia này. Nhưng Bác dặn các chú, nhớ đừng dùng nó làm quà biếu xén cho ai…!
Ông nhớ mãi hai từ “biếu xén” ấy của Bác, không thể lấy của công để dùng cho mục đích tư. Đó cũng là bài học cho những năm tháng ông về làm Giám đốc Tổng Công ty bia rượu nước giải khát miền Nam. Sau này, đến lúc nghỉ hưu, làm chủ nhiệm CLB hưu trí ngành rượu bia, ông và bạn bè hưu trí mở Cửa hàng giới thiệu sản phẩm bia tươi, nước giải khát ở số 4 Thi Sách quận 1. Đó là tài sản chung của gần 500 hội viên. Số lãi thu được, tập thể dùng làm quỹ để chăm lo cuộc sống cán bộ hưu trí khó khăn. Một năm, tổng số tiền hỗ trợ cho một người là 1 triệu đồng. Đó còn là nơi ông và bạn bè, đồng chí hàn huyên, tâm sự.
“Hồi chống Pháp, tôi là công an, hòa bình rồi, tôi làm ngành công nghiệp thực phẩm. Công an hay công nghiệp gì cũng là việc “công”, nhất là được ăn, ngủ, sống cùng công nhân, tôi trưởng thành lên rất nhiều. Năm 1960, trong một hội nghị tổng kết hoạt động ngành công nghiệp, Bác Hồ tới dự và có nói vui một câu thế này: Các chú phải làm sao nuôi công nhân béo như mấy ông bộ trưởng này! Mọi người cùng cười. Bác phê bình mà không ai đỏ mặt. Hơn 20 năm công tác ở Hà Nội, nhiều năm làm Bí thư Đảng ủy Nhà máy Bia HN, tôi có vinh dự được gặp Bác mười mấy lần. Người dặn dò điều gì, tôi vẫn còn nhớ như in. Sau này, tôi sưu tầm ảnh Bác, phóng to, đặt lên bàn thờ. Tôi cảm phục Bác không chỉ ở đạo đức, phẩm chất, lối sống mà cả trong cách nói ngắn gọn, thâm thúy, hài hước. Ngay cả cách tập thể dục mỗi buổi sáng để giữ cho máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái, tôi cũng học ở Bác”, ông tâm sự.
Gần đây, sức khỏe ông không còn tốt, nhưng ông vẫn không ngừng làm việc từ thiện. Ông vừa xuống Bến Tre trao tặng nhà tình thương cho dân nghèo. Ông bảo: “Tôi nợ bà con nhiều, bây giờ có làm từ thiện cả đời cũng không trả nợ được. Còn sống, tôi còn tìm cách giúp người nghèo và xây dựng quê hương”.
Trong nhà ông có hai bàn thờ đều đặt ở nơi trang trọng, một bên thờ ông bà tổ tiên, một bên thờ Bác Hồ!
Hoàng Hoa