Sự cố mất điện tại Trung tâm Điều hành không lưu Tân Sơn Nhất đã được kết luận là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật. Qua đó đã bộc lộ một điều quan trọng: Trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận kiểm soát viên không lưu còn hạn chế. Từ thực trạng này, bạn đọc Báo SGGP đã lên tiếng về vấn đề đào tạo và chuẩn hóa cán bộ công chức.
Số đẹp và số thực
Tuần trước, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết: 99,54% công chức và 99,76% viên chức cả nước được đánh giá “hoàn thành nhiệm vụ” với các mức độ khác nhau; trong đó trên 34% “hoàn thành xuất sắc”; chỉ có 0,46% công chức và 0,24% viên chức “không hoàn thành nhiệm vụ” được giao. Đó là những con số rất đẹp, hết sức lý tưởng! Song, thực tế khoảng cách giữa chất lượng thật với kết quả bình bầu thi đua hàng năm của công chức - viên chức nước ta vẫn còn xa nhau lắm!
Mà đâu chỉ riêng có vấn đề này. Ngay cả việc phân tích chất lượng đảng viên hàng năm, “bệnh hình thức”, chạy theo thành tích vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Theo kết quả phân tích chất lượng mỗi năm đã công bố, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bao giờ cũng chiếm đa số; và số “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” thường là những cán bộ lãnh đạo. Nhưng khi “xảy ra chuyện” mới hay không ít trường hợp tiêu cực, tham nhũng, bị kỷ luật hoặc tù tội lại thường rơi vào những đảng viên trước đó chưa lâu đã từng được biểu dương, khen thưởng. Việc này làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng.
Việc tuyển dụng lao động cần công bằng, minh bạch, đảm bảo yêu cầu chuẩn hóa lao động. Ảnh: THU HƯỜNG
Đã đến lúc cần phải dứt khoát nói không với căn bệnh thành tích, đánh giá cán bộ thật nghiêm ngặt, đúng thực chất, để cho xã hội được phát triển bình thường, không bị làm cho méo mó.
BIÊN HÀ
(Bình Thạnh, TPHCM)
Bằng cấp và thực tài
Có thể nói Việt Nam là một trong số những quốc gia rất đông người có học hàm, học vị cao, tỷ lệ người có học vị tiến sĩ trong bộ máy quản lý nhà nước nước ta cao hơn cả nhiều nước phát triển. Tuy nhiên, số bằng phát minh, sáng chế và công trình khoa học của Việt Nam thì ngược lại, vô cùng ít ỏi. Thói quen chuộng hư danh, coi trọng bằng cấp hơn thực tài và thực học hầu như đang chi phối toàn xã hội.
Nhiều địa phương “trải thảm đỏ” (đãi ngộ vật chất cao hơn mức bình thường) để mời các tiến sĩ về làm việc, nhưng đâu biết rằng nước ta đang có quá nhiều “tiến sĩ giấy”. Tình trạng mua bán bằng cấp, “học giả, bằng thật” ngày càng trở nên phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tụt hậu của nước ta trên nhiều lĩnh vực.
Cần dứt khoát “nói không” với những “tấm bằng rỗng ruột” chỉ dùng để “lộng kiếng” và hoàn toàn không có giá trị, ý nghĩa thực tiễn gì. Thay vào đó, nên trọng dụng những người có thực học, thực tài.
PHAN TRỌNG HIỀN
(Bình Thạnh, TPHCM)
Chấm dứt việc gửi gắm con cháu
Chuyện thân quen với lãnh đạo cơ quan, đơn vị rồi nhờ vả, gửi gắm con cháu của mình vào làm việc không phải là chuyện mới trong công tác tuyển dụng lao động. Là người làm công tác đào tạo và tuyển dụng lao động, tôi rất hiểu nỗi trăn trở của lãnh đạo công ty mình mỗi khi cầm những bộ hồ sơ xin việc của lãnh đạo cấp trên trong ngành gửi xuống bảo là con cháu trong gia đình gửi gắm vào làm việc trong công ty.
Điều đương nhiên một khi những bộ hồ sơ của con cháu lãnh đạo cấp trên được tuyển dụng vào làm việc, thì chắc chắn những nhân sự của các phòng ban trong công ty phải bị xem xét, điều động sang làm việc ở bộ phận khác để nhường chỗ.
Nếu như những lúc công ty có nhiều việc làm, thì việc tuyển dụng người lao động là con cháu của lãnh đạo cấp trên cũng đỡ phải trăn trở, suy nghĩ hoặc bàn cãi. Nhưng trong những lúc công ty gặp nhiều khó khăn, không có công việc làm, phải lên phương án cắt giảm nhân sự, giảm lương để duy trì hoạt động, thì lại phải nhận những người được gửi gắm vào làm việc nhưng không rành chuyên môn là nỗi khổ lớn.
Như vậy việc tuyển dụng lao động đã không mang lại hiệu quả trong việc sử dụng lao động, mà trở thành gánh nặng. Thậm chí nếu giao họ giữ những trọng trách thì hậu quả do thiếu trình độ quản lý và kém chuyên môn nghiệp vụ sẽ nguy hiểm khó lường.
Việc lạm dụng quan hệ thân quen và quan hệ cấp trên với cấp dưới để gửi gắm người thân vào làm việc đã ăn sâu vào trong cách hành xử ở nước ta, thế nên “một người làm quan, cả họ được nhờ”. Mong sao tình trạng này chấm dứt càng sớm càng tốt, trước hết là để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển dụng và đào tạo lao động, đảm bảo yêu cầu chuẩn hóa lao động, tuyển dụng những người thực sự có năng lực, thực tài.
NGUYỄN ĐƯỚC
(quận 5, TPHCM)