Trong các giao dịch thương mại, giao dịch dân sự, rất nhiều trường hợp các bên tham gia ký kết hợp đồng ủy quyền cư trú ở các địa phương khác nhau. Vậy có bắt buộc bên ủy quyền và bên được ủy quyền gặp nhau tại một địa điểm để công chứng hợp đồng ủy quyền?
Nhằm mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện cho các bên tham gia giao dịch cũng như phát triển kinh tế, pháp luật Việt Nam đã quy định về chế định ủy quyền, với nội dung một trong các bên tham gia giao dịch có thể ủy quyền cho một bên khác có đầy đủ các điều kiện, để thay mặt và nhân danh mình ký kết hợp đồng với bên còn lại. Để việc ủy quyền có giá trị, nhiều trường hợp bên ủy quyền tiến hành ký kết hợp đồng ủy quyền với các điều khoản chặt chẽ để ủy quyền cho chủ thể khác quyền của mình. Sau đó, họ tiến hành công chứng hợp đồng này để đảm bảo nội dung hợp đồng phù hợp pháp luật, tạo cơ sở thực hiện giao dịch. Pháp luật công chứng đã có những quy định linh hoạt và tính thực tiễn cao để giải quyết trường hợp các bên tham gia ký kết hợp đồng ủy quyền cư trú ở các địa phương khác nhau. Khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng hiện hành đã quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau: “Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng, thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.
Có thể thấy đây là một quy định tiến bộ, linh hoạt, đặc biệt có ý nghĩa đối với trường hợp bên ủy quyền đang cư trú ở nước ngoài không thể về nước để ký kết hợp đồng mua bán nhà hoặc các tài sản của họ tại Việt Nam. Trong trường hợp này, cá nhân cư trú ở nước ngoài có thể tới đại sứ quán Việt Nam hoặc lãnh sự quán Việt Nam có chức năng công chứng để công chứng hợp đồng ủy quyền, sau đó gửi về cho người thân ở Việt Nam để người thân công chứng hợp đồng và thay mặt mình mua bán các tài sản theo quy định pháp luật. Với các quy định rõ ràng, linh hoạt như vậy về hợp đồng ủy quyền, nhà nước đã tạo một hành lang pháp lý thông thoáng và chặt chẽ không những đảm bảo được quyền lợi của công dân mà còn góp phần thúc đẩy các giao dịch, phát triển kinh tế Việt Nam.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)