Nghị định 68/CP về minh bạch tài sản, thu nhập cán bộ, công chức

Công cụ hữu hiệu chống tham nhũng

Nghị định 68/CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức (CBCC) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10-2011. PV Báo SGGP ghi lại ý kiến của một số chuyên gia xung quanh việc thực hiện chủ trương này.

  • Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM: Tạo điều kiện để dân giám sát cán bộ

Điều 35a sửa đổi, bổ sung trong Nghị định 68 nêu rõ vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên: Tiếp nhận những kiến nghị của nhân dân để kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền; phát hiện dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập thì mặt trận, tổ chức thành viên kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; đối với cá nhân cư trú ở cấp xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác thì mặt trận và các tổ chức thành viên có quyền phát hiện, kiến nghị xử lý những hành vi không trung thực trong kê khai tài sản… Những nội dung của nghị định đã tạo điều kiện cho mặt trận vận động nhân dân tích cực giám sát CBCC. Cơ quan có thẩm quyền phải sớm xem xét xử lý một cách nghiêm minh đối với người có dấu hiệu vi phạm do mặt trận phản ánh. Tuy nhiên, việc thông báo kết quả giải quyết theo quy định chỉ thông báo cho mặt trận. Việc ai sẽ thông báo lại cho người dân đã phản ánh, nghị định chưa đề cập cụ thể bởi nếu mặt trận thực hiện việc thông báo kết quả này cho dân, có thể vi phạm những quy định khác.

  • Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam: Nêu gương từ việc minh bạch tài sản

Theo Nghị định 68/CP, đối tượng phải kê khai và công khai tài sản trước mắt chỉ khoanh vùng trong nhóm những CBCC công tác ở những lĩnh vực nhạy cảm: cán bộ có chức vụ quyền hạn cao, thủ quỹ, kế toán, cảnh sát giao thông, cán bộ chủ chốt của cơ quan ban ngành… Việc công khai tài sản CBCC là tiến bộ. Đã là cán bộ, công bộc của dân phải công khai tài sản, thu nhập để nhân dân, Quốc hội giám sát. Những thông tin liên quan đến tài sản, thu nhập của bản thân, của vợ con CBCC, nhất là người đứng đầu cũng cần phải được đăng công khai trên công báo. Việc minh bạch tài sản, thu nhập chắc chắn sẽ tạo vai trò nêu gương rất tốt.

  • TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng: Cần công khai tài sản người nhà CBCC

Nghị định 68/CP là công cụ hữu hiệu để chống tham nhũng. Tuy nhiên vẫn còn những lỗ hổng cần sớm hoàn chỉnh trong thời gian tới. Việc chỉ công khai tài sản của CBCC sẽ không thể kiểm soát thu nhập của CBCC bởi thực tế không ai kiểm soát được tính trung thực trong bản kê khai tài sản. Thực tế, không thiếu trường hợp tài sản của CBCC đã được “xé lẻ” trước khi kê khai. Để tránh việc CBCC có thể đối phó bằng cách để cho vợ, con đứng tên tài sản, cần quy định công khai tài sản của vợ, con, nhất là đối với những cán bộ giữ các vị trí quan trọng.

  • Ông Phan Bá, Vụ trưởng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng: Hình thức xử lý vẫn còn nhẹ

Theo quy định, hình thức cao nhất của việc không trung thực trong kê khai là hạ bậc lương, cách chức trong khi việc xử lý khối tài sản đó mới đáng nói. Theo tôi, nếu phát hiện khối tài sản của cán bộ không trung thực, sau khi bị phát hiện, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cần bị sung công quỹ. Theo Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, tài sản không giải trình được, bất minh, phải bị tịch thu. Có quy định chặt chẽ như vậy mới hy vọng hạn chế được hành vi cố tình che giấu nguồn tài sản không minh bạch của cán bộ.

Hồng Hiệp (ghi)

Tin cùng chuyên mục