Trong chuỗi hàng loạt sự kiện kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam, sáng nay 24-7, tại Hà Nội, hàng trăm chuyên gia đã tham gia tham luận tại hội thảo “Công đoàn Việt Nam - 90 năm xây dựng và phát triển”.
Hội thảo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Đây là sự kiện lớn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) diễn ra trên phạm vi cả nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự.
Hội thảo 90 năm Công đoàn Việt Nam sáng 24-7 Hội thảo tập trung vào 3 nội dung lớn là: Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và những vấn đề lý luận cơ bản về tổ chức Công đoàn Việt Nam; Đóng góp xuất sắc của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong 90 năm xây dựng và phát triển; Thời cơ, thách thức và những định hướng lớn đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, đã tròn 90 năm kể từ sự kiện thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ - tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước làm nên những thành tựu chói lọi trong thế kỷ XX.
Trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, lao động thực hiện đường lối của Đảng, tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước.
Hội thảo về 90 năm Công đoàn Việt Nam Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của đời sống, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia.
Đây cũng là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU)…
Chũng sẽ có tác động trực tiếp đến tổ chức Công đoàn Việt Nam. Và người lao động Việt Nam có thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; tiêu chuẩn lao động tiệm cận gần hơn với các công ước quốc tế, quan hệ lao động ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức công đoàn ngày càng cao.
Những vấn đề đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và lợi thế đang có, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, tập trung đổi mới đồng bộ cả về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để hoàn thành tốt vai trò tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động đồng thời là thành viên tích cực trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Để đáp ứng mục tiêu trên, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về giai cấp công nhân và hoạt động công đoàn trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần giúp cho Ðảng, Nhà nước có đầy đủ căn cứ khoa học đề ra đường lối, chủ trương phù hợp, giúp cho Công đoàn Việt Nam xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn.
Quang cảnh hội thảo Hội thảo này đã quy tụ lực lượng tác giả tham luận gồm các nhà khoa học, các nhà lý luận có uy tín cao, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ nhiều đơn vị chuyên môn thuộc 4 cơ quan đồng tổ chức, gồm: Viện Công nhân và công đoàn, Đại học Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Vụ Tuyên truyền thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; Tiểu ban Chính trị và xây dựng Đảng thuộc Hội đồng Lý luận Trung ương; Viện Lịch sử Đảng, Viện Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các học giả, các nhà quản lý, các nhà lập pháp có uy tín, gắn bó với phong trào công nhân và tổ chức công đoàn đến từ Ban Dân vận Trung ương, Tạp chí Cộng Sản, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
VĂN PHÚC