Trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã không ngừng hoàn thiện Luật bảo vệ môi trường với mong muốn giảm số lượng, tiến tới không còn doanh nghiệp vi phạm môi trường. Thế nhưng bất chấp hình phạt xử lý vi phạm môi trường tăng nặng, nhiều doanh nghiệp vẫn “sống tốt” nhờ giảm đáng kể chi phí sản xuất do thải bỏ chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Cưỡng chế vẫn chưa sợ!
Đại diện Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay những quy định bảo vệ môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp gần như đã hoàn chỉnh. Cụ thể, doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp phải xử lý nước thải cục bộ trước khi thải vào hệ thống xử lý chung để xử lý bước tiếp theo trước khi thải ra môi trường. Riêng những doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp thì nước thải phải đạt tiêu chuẩn với nước sinh hoạt mới được thải vào cống thoát nước đô thị. Khí thải tùy theo từng ngành, từng loại nhiên liệu cũng đã có quy định nhất định. Tương tự, với chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp hay chất thải sinh hoạt. Nhìn chung, với bất kỳ loại chất thải nào doanh nghiệp thải ra trong quá trình sản xuất đều có những quy định về thu gom, xử lý. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp nào chấp hành hoặc không? Trường hợp doanh nghiệp nào không chấp hành thì mức phạt cũng rất cao lên đến 500 triệu đồng/hành vi; bị buộc tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, qua hoạt động thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn tồn tại nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành tốt Luật bảo vệ môi trường. Việc buộc ngưng hoạt động 4 doanh nghiệp đen tại TPHCM vừa qua do Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành là một ví dụ. Các doanh nghiệp như công ty TNHH MTV Thương mại- Sản xuất giấy Trường Phúc (địa chỉ D8/22, tỉnh lộ 10, ấp 4, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh); DN tư nhân Mạnh Cường hoạt động trong lĩnh vực giặt, tẩy (địa chỉ 2C13, ấp 2, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh; công ty TNHH MTV Vân Thành hoạt động trong lĩnh vực giặt, tẩy (tại địa chỉ F1/63, đường Quách Điêu, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh; Cơ sở Phạm Văn Long (quận 12), Công ty TNHH Gia Hưng (quận 12), Công ty TNHH Hoàng Sơn Phát (khu tiểu thủ Lê Minh Xuân), và Công ty TNHH Quốc Siêu (huyện Bình Chánh)… liên tiếp vi phạm môi trường qua nhiều năm. Mặc dù bị các cơ quan chức năng xử phạt nhiều lần nhưng những doanh nghiệp trên vẫn không cải thiện môi trường sản xuất. Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ kiên quyết áp dụng biện pháp xử lý mạnh tay như niêm phong các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm và nặng hơn nữa là cưỡng chế bằng cách cắt điện nhưng có lẽ giải pháp này cần thêm thời gian để doanh nghiệp có thể hiểu ra những tác hại khi không chấp hành Luật Bảo vệ môi trường.
Cần phát huy sức mạnh từ cộng đồng
Sử dụng luật pháp là điều cần thiết. Tuy nhiên, vẫn còn sức mạnh khác từ phía cộng đồng cần phải phát huy. Bà Quách Tố Dung, Phó giám đốc thường trực Sở Công thương TPHCM từng khẳng định, cộng đồng có sức mạnh rất lớn. Sức mạnh đó có thể buộc doanh nghiệp phải khắc phục hành vi vi phạm môi trường hiệu quả hơn cả các biện pháp chế tài của các cơ quan chức năng đó là từ chối sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp đen. Trên thực tế, sức mạnh này đã được chứng minh qua việc xử lý hành vi vi phạm môi trường của Công ty TNHH Vedan. Vào thời điểm công ty này vi phạm môi trường, bằng sức mạnh của mình, cộng đồng đã đồng loạt tẩy chay sử dụng sản phẩm của công ty này. Và chính việc làm này đã buộc công ty phải nhanh chóng khắc phục hành vi vi phạm của mình. Đồng thời chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nông dân – những người đã phải sống lao đao vất vả cả chục năm vì nạn ô nhiễm do công ty này gây ra.
Từ bài học thực tế đó, các cơ quan chức năng rất cần duy trì và phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là lý do mà UBND TPHCM đã chấp thuận cho Báo SGGP phối hợp với Sở Công thương và Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM tổ chức Chiến dịch Tiêu dùng sản phẩm xanh lần 3-2012. Vậy chiến dịch này sẽ được tổ chức như thế nào để có thể phát huy sức mạnh của cộng đồng ưu tiên sử dụng sản phẩm doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời đưa được sản phẩm của các doanh nghiệp này đến tận tay người dân?
Đại diện Ban tổ chức chiến dịch cho biết, để thực hiện song song hai nhiệm vụ trên, Ban tổ chức sẽ in ấn thông tin sản phẩm của doanh nghiệp tham gia thành cẩm nang tiêu dùng xanh. Cẩm nang này sẽ được các tình nguyện viên thông qua các hoạt động như đạp xe, ngày hội khu phố xanh, mua sắm sản phẩm xanh với người nổi tiếng… thậm chí các tình nguyện viên sẽ đi sâu vào từng khu phố, nhà dân để thực hiện vận động cộng đồng ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp đen, doanh nghiệp đang có hành vi vi phạm môi trường. Làm được điều này, cộng đồng sẽ từng bước buộc doanh nghiệp cải thiện môi trường sản xuất theo hướng xanh hơn, sạch hơn. Còn về phía cộng đồng sẽ được sống trong môi trường tốt hơn, ít ô nhiễm hơn.
Trong quá trình thực hiện bài viết, PV báo đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với nhiều người dân hiện đang sinh sống tại các quận Bình Tân, Tân Bình, Bình Thạnh, quận 6… Phần lớn người dân đều cho rằng họ sợ phải sống chung với ô nhiễm, ăn những thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại… Do đó, bằng một hành động nào đó để góp phần xua tan nỗi sợ hãi trên thì họ rất sẵn lòng. Đó cũng chính là lý do mà Chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh lần 2-2011 đã thu hút được sự hưởng ứng tham gia của 7.000 tình nguyện viên và hàng triệu người dân trên địa bàn thành phố. Trong chiến dịch lần 3 sẽ diễn ra vào tháng 6-2012, một trong những hành động được các tình nguyện viên và cộng đồng tập trung thực hiện là tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp chưa cam kết bảo vệ môi trường cũng như ưu tiên sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp cam kết bảo vệ môi trường sống của cộng đồng.
HOÀNG LAN