Công nghệ xử lý rác tạo điện WCS

Tại Sở KH-CN TPHCM, Công ty Uyên Nhi phối hợp với Công ty Radiant Growth Investments Limited (RGIL) vừa giới thiệu công nghệ chuyển đổi chất thải sản xuất ra điện theo công nghệ Waste Conversion Systems (WCS). Đây được xem là công nghệ tiên tiến và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

Tại Sở KH-CN TPHCM, Công ty Uyên Nhi phối hợp với Công ty Radiant Growth Investments Limited (RGIL) vừa giới thiệu công nghệ chuyển đổi chất thải sản xuất ra điện theo công nghệ Waste Conversion Systems (WCS). Đây được xem là công nghệ tiên tiến và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại.

Công nghệ WCS do Công ty RGIL nghiên cứu phát triển, với lò đốt ứng dụng công nghệ Plasma. Đây thực chất là quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (6.000 - 10.0000C) nhằm biến các loại chất thải thành khí phân tử. Khí sẽ là “nguyên liệu” chính tạo năng lượng điện. Xỉ còn lại sau quá trình đốt là tro trắng, sạch. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của lò đốt do RGIL phát triển có thể đốt hỗn hợp tất cả các loại rác như rác thải y tế, xây dựng, vỏ xe, xác động vật… mà không cần phân loại trước. Thiết kế lò đốt theo dạng module, vừa tiết kiệm được diện tích, đồng thời có khả năng kết nối, mở rộng quy mô nhà máy khi cần.

Theo Tiến sĩ Dato’ Alex The Chee Teong, Giám đốc Công ty RGIL, công suất nhà máy đặt tại TPHCM theo dự tính ban đầu khoảng 500 tấn/ngày, với tổng kinh phí đầu tư hơn 42 triệu USD. Nhà máy sẽ có quy trình đốt rác tạo điện khá đơn giản. Do rác thải chỉ cần chứa tại nhà máy trong 3 ngày nên không cần diện tích quá rộng. Bằng các phương pháp sấy khô, rác thải có độ ẩm khoảng 30% sẽ được đưa vào hệ thống xử lý tự động với nhiệt độ 400 - 5000C trong 4 giờ.

Lúc này, khí gas sẽ nằm ở trên cùng của buồng xử lý. Khí gas được làm nóng ở nhiệt độ từ 1.000 - 1.2000C sẽ cho không khí sạch 99,98%, còn lại chất bụi hoặc bụi không đáng kể. Khí sạch này chính là nguyên liệu tạo điện. Sản phẩm cuối cùng là tro trắng sạch, có thể làm gạch, xi măng.

Đánh giá công nghệ, ông Trần Đại Đồng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM cho rằng, chính vì đốt hoàn toàn 100% hỗn hợp các chất thải sẽ khiến nhiệt độ trong lò không cao (rác hữu cơ sinh nhiệt thấp), chưa kể một số rác vô cơ có thể tái tạo được. “Tại nhà máy của chúng tôi, rác được phân loại và tái tạo, chỉ 10% mang đốt. Nhưng riêng việc đốt khiến nhà máy phải tiêu tốn một nguồn kinh phí khá lớn và giá điện sản xuất ra vẫn cao hơn giá điện lưới hiện tại. Vì thế, giá điện tạo ra từ lò đốt theo công nghệ WCS cần phải cân nhắc thật kỹ”, ông Đồng trăn trở.

“Tuy nhiên, đây vẫn được xem là công nghệ tiên tiến, xử lý rác không sản sinh các chất nguy hại khác. Nếu thành công, nhà máy xử lý rác theo công nghệ WCS được xem là mô hình kiểu mẫu xử lý rác và tạo điện. Trước mắt, nếu được TP chấp thuận, Sở KH-CN sẽ thành lập hội đồng thẩm tra công nghệ để đánh giá đầy đủ về khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế mà công nghệ WCS mang lại”, Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết thêm.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục