Ngành công nghiệp điện tử trong nước đang trên đà tăng trưởng bình quân 10%/năm. Nhưng đáng tiếc, trong số này khối doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu.
Nhà đầu tư ngoại hồ hởi
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghiệp điện tử. Đến nay, lĩnh vực này đã thu hút hơn 10 tỷ USD vốn FDI với các tên tuổi lớn: Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2013 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu ngành điện tử luôn chiếm vị trí dẫn đầu trong các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng 30 tỷ USD. Thống kê mới nhất, trong 8 tháng đầu năm 2015, chỉ riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, tổng trị giá xuất khẩu đã vọt lên 20,18 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp gần 5 tỷ USD trong 9 tỷ USD của tăng trưởng xuất khẩu. Đây cũng là ngành hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đạt trị giá xuất khẩu 8 tháng đầu năm 9,99 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính, tỷ trọng xuất khẩu ngành công nghiệp điện tử sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2017.
Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng tại công ty greystone data systems (Hoa Kỳ) ở TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Đỉnh điểm của làn sóng thu hút đầu tư FDI mạnh mẽ vào Việt Nam bắt đầu từ giữa năm 2014, với sự xuất hiện thêm hàng loạt doanh nghiệp lớn như Công ty Công nghệ toàn cầu Laird (Anh) chính thức khánh thành nhà máy đầu tiên ở Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh. Nhà máy này chính là sự bổ sung cho Trung tâm thiết kế mới của Laird và Công ty Chế tạo khuôn mẫu Model Solution mà Laird mới mua tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như các nhà máy khác tại Trung Quốc, Malaysia. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn chính là các nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô lớn, trong đó Samsung là lớn nhất với hai nhà máy 2,5 tỷ USD ở Bắc Ninh và 2 tỷ USD ở Thái Nguyên. TPHCM cũng thu hút Tập đoàn Samsung với dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Khu Công nghệ cao. Đây là nhà máy thứ ba của Samsung tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Sau khi nhà máy ở Thái Nguyên của Samsung đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vệ tinh cũng đã tìm đến tỉnh này. Hàng trăm triệu USD đã được các nhà sản xuất linh kiện điện tử đầu tư ở Thái Nguyên, Hải Phòng… Và đương nhiên, hầu hết các nhà máy sản xuất linh kiện vệ tinh này cũng đến từ dòng vốn của FDI!
Ông Duangdej Yuaikwarmdee, Giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc Công ty Reed Tradex tại Việt Nam, nhận định công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây và trở thành nhà sản xuất công nghệ cao của thế giới, thu hút nhiều công ty lớn từ nước ngoài như Panasonic, Samsung, Canon, Intel, Fujitsu, LG và Nokia… Đồng quan điểm này, trợ lý Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ và Bán hàng của Panasonic, ông Ling Sing Kok cho rằng, trong 5 năm đến 10 năm tới, thương mại sản xuất điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển với nhiều nguồn vốn nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan.
Doanh nghiệp Việt chỉ gia công, lắp ráp
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, với sự xuất hiện của nhiều tập đoàn điện tử toàn cầu, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện thoại di động, máy in, photocopy lớn nhất trên thế giới. Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hợp tác, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực điện tử, từ đó trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, để có được vị trí trong chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với không ít thách thức. Nguyên nhân là dù xuất khẩu của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam gần đây tăng trưởng mạnh nhưng giá trị gia tăng chưa cao, nguyên liệu phần lớn phải nhập khẩu. Đơn cử như năm 2014, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam xuất khẩu trên 32 tỷ USD, nhưng nhập khẩu đã lên tới 28 tỷ USD. Hơn nữa, để trở thành đối tác cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp FDI.
Lắp ráp linh kiện điện tử tại một doanh nghiệp trong nước
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của ngành công nghiệp điện tử trong nước, PGS Nguyễn Thanh Thu, Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, cụm từ “Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điện tử của khu vực” không đem lại hào quang cho Việt Nam như những gì đang thể hiện. Bởi theo thống kê, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 1/3 trong tổng số doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhưng lại sở hữu nhiều công nghệ cao, chiếm trên 80% thị trường trong nước và trên 90% kim ngạch xuất khẩu. Riêng Samsung đã đạt tỷ lệ xuất khẩu trên dưới 20 tỷ USD/năm. Với tốc độ đầu tư hiện nay, dự kiến trong tương lai, kim ngạch xuất khẩu của Samsung vượt ngưỡng 30 tỷ USD/năm. Còn lại là Nokia, Sony, Canon, LG cũng đang đầu tư lớn vào Việt Nam. Trong khi đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, lại chỉ hưởng giá trị gia tăng rất thấp vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu và lắp ráp. “Không thể trực tiếp sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam cũng không đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các thương hiệu điện tử lớn đang có nhà máy tại Việt Nam. Vừa qua Samsung cho biết, trong số 90 doanh nghiệp vệ tinh đang cung cấp linh kiện, phụ kiện, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Samsung chỉ dưới 10%, đặc biệt lại chủ yếu cung ứng in ấn và bao bì, phần hưởng giá trị gia tăng thấp nhất, không tiếp thu được công nghệ cao, không có sức lan tỏa tới nền kinh tế”, PGS Nguyễn Thanh Thu phân tích.
LẠC PHONG