Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có khuyết điểm của cá nhân tôi

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có khuyết điểm của cá nhân tôi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

Đó là phát biểu của người đứng đầu ngành Công Thương khi trả lời chất vấn của ĐBQH chiều 11-6.

Công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển có khuyết điểm của cá nhân tôi ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Điện là mặt hàng rất kỳ lạ (?)

Mở màn phiên chất vấn, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nêu, sự suy giảm xuất khẩu những tháng đầu năm, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, “đã vượt quá sức chịu đựng của người nông dân”. Giá thức ăn chăn nuôi, điện, nước đều tăng cao trong khi đầu ra bị thương nhân ép giá. Nhắc lại câu hỏi đã nêu với chính Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cách đây đúng 3 năm, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị Bộ trưởng cho biết đã thực hiện lời hứa “phối hợp với Bộ Nông nghiệp về tìm đầu ra cho hành tím” như thế nào? Ai là người có lỗi khi dưa hấu, hành tím ế ẩm”? Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhận xét: “Hệ thống lưu thông phân phối đúng là có chuyện”.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang)

Đặc biệt, theo ông Cương, “điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Lẽ ra càng nhiều người tham gia thị trường cung ứng thì giá phải giảm, nhưng việc này không bao giờ thấy xảy ra ở ngành điện? Bao giờ mới xóa được tình trạng độc quyền trong ngành điện để giá có thể giảm”?

Công nhận tình trạng suy giảm xuất khẩu, nhất là với hàng nông sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương vừa qua đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các đoàn công tác của nước bạn vào tìm hiểu thị trường Việt Nam. “Thậm chí, các vị lãnh đạo cao cấp của nước ta khi làm việc với phía bạn đã luôn quan tâm đề xuất phía bạn mở của thị trường cho hàng nông sản”, ông nói.

Kênh thứ 2 mà Bộ Công Thương cũng hết sức chú trọng là thông qua đàm phán hiệp định thương mại, cả hiệp định thương mại tự do lẫn hiệp định thông thường. “Chúng tôi nhận thức rằng mặc dù khu vực nông nghiệp chỉ làm ra 18% GDP nhưng có liên quan đến đời sống của 70% dân số và đóng vai trò hết sức quan trọng trong ổn định XH, nên trong quá trình đàm phán luôn luôn đặt ra yêu cầu ưu tiên hàng hóa nông sản. Trong các hiệp định đã ký, chúng ta cơ bản đã đạt được yêu cầu này. Gần nhất là việc Liên minh kinh tế Á - Âu đã chấp nhận thuế suất bằng 0% với toàn bộ nông sản của ta. Với Hàn Quốc chúng ta cũng đạt quota 10.000 tấn tôm và tăng dần những năm tới…”, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết. Theo Bộ trưởng, sự suy giảm vừa qua mang tính nhất thời và tới đây, nếu làm tốt việc nâng cao chất lượng nông sản thì khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do; tình hình sẽ được cải thiện.

Về giá điện, Bộ trưởng Công Thương khẳng định, ngành đang thực hiện đúng lộ trình thị trường hóa ngành điện, theo đó từ năm 2021 trở đi sẽ áp dụng giá bán lẻ điện cạnh tranh.

Vẫn lúng túng với công nghiệp hỗ trợ

Trả lời ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) về công nghiệp hỗ trợ mà theo ông Nam là vẫn ì ạch, “không có chuyển biến gì đáng kể”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn: “Dự thảo lần 6 đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vẫn chưa được Chính phủ thông qua, do trong đó có 2 vấn đề chưa được giải thích thấu đáo liên quan đến cơ chế và công cụ hỗ trợ của nhà nước. Chúng tôi đã đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ và Trung tâm trợ giúp, nhưng cũng thấy là chưa phù hợp, hiện vẫn tiếp tục nghiên cứu. Việc này có trách nhiệm của cá nhân tôi”. Tuy nhiên, vừa qua Bộ cũng đã nỗ lực kết nối giữa DNNN – DNTN để DNNN “đặt hàng” DN trong nước, cụ thể là đã tổ chức cho Tập đoàn Samsung gặp gỡ các nhà sản xuất trong nước và tháng 7 tới sẽ tiếp tục tổ chức hoạt động này. Bộ cũng sẽ lồng ghép mục tiêu phát triển công nghiệp hỗ trợ khi xây dựng các chương trình phát triển cơ khí trọng điểm, phát triển công nghệ cao… - ông nói thêm.

Về đề nghị xây dựng luật riêng về CNHT, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội đã đưa dự án Luật Khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào chương trình xây dựng pháp luật, dự án này có liên quan chặt chẽ đến CNHT vì các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT phần lớn là DNNVV. Tuy nhiên, ông cũng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu về sự cần thiết xây dựng thêm luật riêng về CNHT.

Đảm bảo công bằng trong tái định cư để xây dựng thủy điện

Có tới 2 vị ĐB, mỗi vị phát biểu 2 lần để nêu về vấn đề này với người đứng đầu ngành Công Thương. Đó là ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) và ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM). Theo các ĐB, Quyết định 64/2014/QĐ-TTg về chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện chỉ áp dụng cho một số loại công trình là chưa đảm bảo tính công bằng cho người dân phải di dời, nhường chỗ cho các công trình thủy điện vừa và nhỏ, trong khi đời sống của họ rất khó khăn. Ghi nhận ý kiến ĐB, Bộ trưởng Hoàng đã hứa rà soát lại và “nếu chưa phù hợp thì sẽ kiến nghị Thủ tướng có sự điều chỉnh, bổ sung”. Tuy nhiên, trước mắt ông sẽ yêu cầu chủ đầu tư công trình thủy điện phải thực hiện nghiêm túc các cam kết về di dân tái định cư, đảm bảo điều kiện sống của người dân ở nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

  Vẫn liên quan đến việc xây dựng các công trình thủy điện, ĐB Nguyễn Thái Học yêu cầu rốt ráo thực hiện quy định trồng bù diện tích rừng đã phá đi làm thủy điện. ĐB yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương trong việc bố trí quỹ đất và giám sát, kiểm tra, đảm bảo DN thực hiện nghiêm túc cam kết. Bộ trưởng Công Thương tán thành: “Như Bộ trưởng Nông nghiệp cũng đã phát biểu, tôi hoàn toàn đồng ý phải xử lý nghiêm các DN không trồng lại rừng, biện pháp là sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực”.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TPHCM) 

Bên cạnh đó, trả lời ĐB Nguyễn Văn Minh về công tác đảm bảo an toàn hồ, đập thủy điện, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thông tin: “Đến nay chúng tôi đã phối hợp với các bộ liên quan tham mưu Thủ tướng ban hành Quy chế vận hành liên hồ chứa thủy điện vào mùa mưa lũ. Dự kiến Quy chế vận hành mùa khô cũng sẽ được ban hành trong năm 2015”.  Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra, báo cáo lại với QH về việc kiểm định chất lượng các công trình hồ, đập thủy điện theo đúng tinh thần Nghị quyết của QH đã ban hành năm 2013 về vấn đề này.

Trong phiên họp sáng 12-6, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trước QH.

ANH THƯ - Ảnh: LÃ ANH

Tin cùng chuyên mục