Lâu nay, công nhân làm việc trong hầm mỏ được xem là “nghề nguy hiểm” bởi hàng ngày phải làm việc trong điều kiện: thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng và nhất là nguy cơ sập hầm luôn rình rập. Nhưng với công nhân công ty vàng Phước Sơn (thuộc tập đoàn Besra), những nguy hiểm ấy dường như không còn nữa nhờ được trang bị thiết bị kỹ thuật cao cũng như trang bị bảo hộ lao động, huấn luyện an toàn thường xuyên.
Một ngày của thợ mỏ
|
Một ngày giữa tháng 3-2013, chúng tôi có dịp được vào hầm mỏ tại mỏ vàng Phước Sơn (xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Muốn vào hầm lò phải trang bị các phương tiện bảo hộ lao động từ đầu cho tới chân. Dù là công nhân hay khách đến thăm đều phải đội mũ cứng rộng vành được gắn đèn, mang kính bảo vệ mắt, chân đeo ủng, người mặc đồ bảo hộ lao động có phản quang. Vào cổng hầm mỏ phải được kiểm tra bằng thẻ từ và hệ thống camera quan sát, tiếp đến được một nhóm kỹ thuật viên kiểm tra sức khỏe và đo nồng độ cồn trong hơi thở. Chỉ cần nồng độ cồn vượt quá quy định, dù là ai thì cũng không được vào khu vực hầm mỏ.
Sau khi qua các khâu trang bị và kiểm tra an toàn, chúng tôi được anh Hoàng Văn Thành (trưởng bộ phận thanh tra an toàn) dẫn vào đường hầm. Hầm mỏ sâu hun hút. Cửa hầm rộng chừng 30m2 (5x6). Toàn bộ đường hầm được chèn chống bởi hệ thống khung vòm bằng thép, bên trên treo đường ống dẫn khí, ống bơm nước, hệ thống điện. Cứ một đoạn vài chục mét là có hệ thống biển báo an toàn. Đường hầm dài hơn 1,5km với nhiều ngóc ngách đưa đến các điểm khai thác quặng. Quặng được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, khoan máy và khoan tay, sau đó được vận chuyển bằng đầu máy kéo xe goòng về nhà máy tuyển quặng. Phía trong đường hầm, ở mỗi ngách có chừng vài chục công nhân được trang bị đồ bảo hộ lao động từ chân cho đến đầu hăng hái làm việc.
Chỉ vào một ụ bê tông to đặt ngay ngã ba của đường hầm, anh Hoàng Văn Thành, giải thích: Trước đây, người ta khai thác thủ công thì để lại những ụ đất, đá để chống đỡ đường hầm. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, chúng tôi đã bơm bê tông vào làm những ụ đỡ thay cho những ụ đất. Chính vì thế, kết cấu của đường hầm rất vững. Bên cạnh đó, toàn bộ đường hầm đều được chèn chống bởi hệ thống vòm thép kiên cố theo tiêu chuẩn quốc tế nên độ an toàn rất cao. Vì vậy, công nhân làm việc trong đường hầm không còn nơm nớp lo sợ tai nạn có thể ập đến bất cứ lúc nào như tại các hầm mỏ khác.
Thợ mỏ, an toàn là số 1
Nói về công việc của mình, anh Nguyễn Quốc Dân (1983, trú ở thôn 5, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn), công nhân Công ty vàng Phước Sơn, cho biết: “Khi nghe làm công nhân hầm mỏ ở đây em cũng sợ lắm, nhưng khi vào làm rồi, được trang bị đồ bảo hộ lao động đầy đủ, toàn bộ hầm mỏ được chèn chống kiên cố nên bọn em an tâm. Đường hầm được trang bị hệ thống thông gió nên điều kiện làm việc trong đường hầm không khác ở ngoài là mấy”.
Anh Phạm Văn Lực (1977), kỹ sư khai thác hầm mỏ tại Phước Sơn, cho biết: “Nếu so với mỏ than thì hầm khai thác vàng ở Phước Sơn an toàn hơn nhiều. Ngoài được chèn chống kiên cố bằng công nghệ cao, hầm vàng không có khí mêtan (CH4) và CO2 nên dường như không có trường hợp tai nạn nào xảy ra tại đây. Hơn nữa, ý thức là mình đang làm việc trong điều kiện hầm mỏ, chúng tôi luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu và việc kiểm tra an toàn ở đây đặt ra rất cao”.
Anh Hoàng Văn Thành, cho biết: “Chúng tôi phải đảm bảo an toàn cho công nhân, kỹ sư và chuyên gia làm việc trong hầm mỏ. Ngoài trang bị bảo hộ lao động, chúng tôi phải áp dụng quy trình kiểm soát an toàn trước, trong và sau mỗi ca. Tuyệt đối không có ai vào hầm mà trong người có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, hàng năm chúng tôi tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn về an toàn hầm mỏ, kỹ thuật nổ mìn, kỹ thuật khai thác,…cũng như khám sức khỏe định kỳ cho toàn bộ công nhân hầm lò. Chính vì thế, từ khi chính thức đi vào khai thác đến nay chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào”.
Tú Vy