Công tác hỗ trợ người khuyết tật cần sự chung tay góp sức của cả xã hội

Sáng ngày 13-7-2018, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật đã dự và chỉ đạo Hội nghị. 
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị
Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Tới dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, ông Đoàn Hữu Bảy, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo - Văn xã – Văn phòng Chính phủ… Tham dự Hội nghị còn có đại diện các cơ quan hữu quan, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia cùng các đồng chí đại diện cho các thành viên trực thuộc UBQG.

Theo Báo cáo trình bày tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2018, Chính phủ và các Bộ liên quan đã ban hành 10 văn bản (02 Nghị định, 04, Thông tư, 04 Quyết định) nhằm cụ thể hóa, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với người khuyết tật (NKT) trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giao thông, y tế, … Một số văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến NKT đang được các Bộ, ngành soạn thảo, lấy ý kiến để ban hành trong thời gian tới như Luật công tác xã hội, Bộ Luật Lao động …

Công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp NKT vẫn tiếp tục được các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan từ Trung ương tới cơ sở triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Liên hiệp Hội người khuyết tật Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trể mồ coi Việt Nam, Hội người mù Việt Nam, Hội cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã phối hợp với Bộ LĐ-TBXH tổ chức các chương trình: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật”; Chương trình giao lưu “ Một trái tim – Một thế giới” lần thứ XV; … những chương trình hội thảo, giao lưu có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khuyết tật và hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

Năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí cho địa phương 17.388 tỷ đồng để thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với NKT theo Thông tư 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho NKT được thực hiện chủ yếu bằng các hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng và hỗ trợ dụng cụ trợ giúp (xe lăn, xe lắc, chân tay giả, máy trợ thính, nạng…) phòng ngừa khuyết tật, tầm soát dị tật bẩm sinh…

Trong 6 tháng đầu năm 2018, hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật được tập trung triển khai, kết quả 6 tháng đầu năm cả nước có trên 6000 NKT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956.

Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án phát triển thị trường lao động và việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – việc làm và An toàn lao động năm 2018, thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm cho NKT, Cục Việc làm – Bộ LĐ-TBXH đã ký hợp đồng đặt hàng với một số Trung tâm dịch vụ việc làm, Hội người khuyết tật Hà Nội với mục tiêu giới thiệu việc làm thành công cho 30 NKT, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho 850 người và đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, hướng nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho 1120 người.

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá, nhìn chung, các địa phương đều thực hiện tốt chính sách trợ giúp NKT như trợ giúp xã hội, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho học sinh khuyết tật… Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành thành viên trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao từng bước được cải thiện.

Thứ trưởng nhấn mạnh sắp tới, Ủy ban cần tập trung tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật riêng liên quan phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền của NKT.  Ủy ban cần tiếp tục rà soát nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, .. tiếp cận các công trình công cộng, giao thông, công nghệ thông tin, truyền thông, và trợ giúp pháp lý bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.., trong đó cần nghiên cứu xem xét việc xây dựng Luật Công tác xã hội, và Bộ Luật Lao động, Luật giáo dục (sửa đổi), Luật Khám chữa bệnh, Thông tư về chuẩn quốc gia về ngôn ngữ ký hiệu, Thông tư về giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật…

Thứ trưởng đề nghị, Ủy ban tăng cường phối hợp các đơn vị thuộc bộ, ngành liên quan, các địa phương thực hiện tốt các chính sách pháp luật liên quan hỗ trợ NKT, đặc biệt là thực hiện các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ NKT, và tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về NKT, xây dựng chương trình đào tạo tập huấn cho các cán bộ và các cộng tác viên hỗ trợ NKT.

Cùng với đó, triển khai tuyên truyền về PHNC cho NKT tại cộng đồng, phòng ngừa và phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, tăng cường tham gia bảo hiểm y tế của NKT, trong đó tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng ngày NKT 3/12; Tổ chức đoàn thể thao NKT Việt Nam tham dự các đại hội thể thao quốc tế dành cho NKT; Tập trung duy trì mối quan hệ hợp tác về NKT với các đối tác song phương, đa phương trong khu vực và thế giới… ‘‘Đôn đốc kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các tổ giúp việc cho Ủy viên Ủy ban quốc gia các cấp, các ngành và đôn đốc việc thành lập Ban công tác về NKT cấp tỉnh’’, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục