Công tác thi đua khen thưởng: “Mò mẫm” tìm điển hình tiên tiến

Khen nhưng thiếu... thưởng!
Công tác thi đua khen thưởng: “Mò mẫm” tìm điển hình tiên tiến

Sáng 4-2, Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM tổng kết công tác thi đua yêu nước năm 2009. Bên cạnh những hiệu quả đạt được, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng phong trào thi đua trên địa bàn TPHCM thời gian qua vẫn còn bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng của một TP anh hùng, năng động nhất cả nước.

Khen nhưng thiếu... thưởng!

Dịp này, HĐND TPHCM đã tổ chức trao Huân chương Lao động hạng ba tặng ông Nguyễn Minh Hoàng (nguyên Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM) và bà Trần Thị Thanh Diệu (nguyên Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM) vì thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH.

Bà Trần Thị Thu Vân, Chủ tịch UBND quận 6 phản ánh: Theo quy định, quỹ khen thưởng bằng 1% tổng quỹ lương, trong năm qua, chi phí khen thưởng của quận 6 là 1 tỷ đồng. Trong khi đó, ban ngành, đoàn thể được nhận kỷ niệm chương từ Trung ương rất nhiều nhưng lại không kèm theo thưởng nên quận phải trích thưởng! Chỉ tính hội cựu chiến binh quận đã được hơn 400 kỷ niệm chương (tặng kèm 200.000 đồng/kỷ niệm chương). Nếu tính hết các ngành thì sao kham nổi? Chưa kể, quận có 80% số hộ (40.000 hộ) được công nhận hộ gia đình văn hóa, kèm tiền thưởng 50.000 đồng/giấy chứng nhận thì tổng tiền thưởng lên đến gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương chịu không nổi”.

Đánh giá về phong trào thi đua thời gian qua, ông Hoàng Nghĩa Huỳnh, Phó trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP cũng nhìn nhận: Một số nơi phong trào thi đua phát triển chưa đều, còn hình thức, nhiều nơi khen thưởng chưa kịp thời nên công tác thi đua - khen thưởng chưa động viên, khuyến khích được mọi người cống hiến. Việc phát hiện những điển hình tiên tiến và xây dựng các mô hình, sáng kiến chưa xuất hiện nhiều kinh nghiệm hay, những tấm gương người tốt việc tốt trong phong trào thi đua. Chưa có sự đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thi đua. Một số khối thi đua tổ chức sinh hoạt chuyên đề nhưng nội dung không thiết thực. Đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác thi đua - khen thưởng chưa được đào tạo nên còn lúng túng khi triển khai. “Thậm chí, còn một số cụm, khối thi đua chưa tổ chức sinh hoạt chuyên đề, nhất là các đơn vị khối Đảng, đoàn thể, có nơi có tổ chức sinh hoạt nhưng nội dung lại quá nghèo nàn, thiếu thiết thực”- ông Huỳnh cho biết.

Làm sao nhân rộng phong trào?

Trong công tác thi đua - khen thưởng, việc phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của những người làm công tác thi đua - khen thưởng. Thế nhưng, công tác này thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Trong hội nghị tổng kết văn minh đô thị mới đây, sau khi nghe danh sách hơn 300 tập thể, cá nhân được tuyên dương, trong đó chỉ có khoảng chục người dân điển hình, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng: “Nhìn đâu cũng thấy khen thưởng… cán bộ lãnh đạo nhưng lại bỏ qua những người dân bình thường. Như thế làm sao động viên, nhân rộng phong trào được?”.

Cuối năm, nhiều đơn vị sở ngành, quận huyện “rầm rộ” tổng kết công tác thi đua yêu nước. Rất dễ dàng nhận thấy, nhiều trường hợp được khen thưởng rơi vào đội ngũ cán bộ công chức, lãnh đạo, chuyên gia… mà rất ít thấy có “bóng dáng” người dân bình thường. Những nhân tố điển hình hầu như chỉ phát hiện từ… các báo cáo tại hội nghị tổng kết, hoặc qua tìm hiểu về doanh thu của doanh nghiệp đóng thuế cho nhà nước, nộp ngân sách, làm từ thiện nhiều hay ít mà thiếu quan tâm đến những cá nhân, tập thể ở cơ sở, vùng sâu vùng xa, làm những công việc thầm lặng nhưng có ích. Thậm chí, nhiều đơn vị nhận rất nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen, huân, huy chương các loại nhưng khi được đề nghị cung cấp các gương điển hình tiên tiến để đưa tin, viết bài thì lại bị động, lúng túng!

Ngay chính Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Nguyễn Thị Như Thủy cũng nhìn nhận: Thời gian qua, các sở ngành quận huyện còn gói gọn đối tượng được khen thưởng mà chưa hướng xuống cơ sở tìm điển hình thực sự tiên tiến.

Trao đổi bên lề hội nghị, một cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng cho rằng: “Người làm công tác thi đua - khen thưởng phải sống trong lòng phong trào thì mới nắm bắt, phát hiện các điển hình tiên tiến để nhân rộng. Tìm những điển hình tiên tiến này không khó. Họ có thể là những con người lao động thầm lặng như người công nhân môi trường, thầy cô giáo bỏ phố lên non dạy các em vùng sâu vùng xa hay hiệp sĩ đường phố… Chính họ mới là những “chiến sĩ thi đua”, “lao động tiên tiến” đáng được vinh danh. Trong khi có những đối tượng chỉ “nổi” bề ngoài, chịu khó “đánh bóng, tô vẽ” lại được đặc biệt quan tâm, chiếu cố cho khen thưởng hết danh hiệu này đến danh hiệu khác!”

VÂN ANH - HỒNG HIỆP



Tăng cường kiểm tra, giám sát

Bên lề hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng TPHCM năm 2009, PV Báo SGGP đã trao đổi thẳng thắn với bà Nguyễn Thị Như Thủy, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM, tìm giải pháp giải quyết những tồn tại trong phong trào thi đua khen thưởng tại TPHCM.

- PV: Phong trào thi đua chỉ mạnh khi đem lại hiệu quả thiết thực. Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị tổ chức thi đua hình thức, qua loa… Bà nghĩ gì về thực tế này?

- Trưởng ban NGUYỄN THỊ NHƯ THỦY: Nhìn trên phương diện tổng thể, phong trào thi đua - khen thưởng năm 2009 tại TPHCM đã dần đi vào nền nếp. Từ TP đến cơ sở, phong trào không ngừng được đổi mới về nội dung, hình thức… Nhờ vậy, hoạt động thi đua khen thưởng đã trở thành động lực thúc đẩy và góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận tại một số đơn vị, việc thực hiện phong trào thi đua khen thưởng còn hình thức, qua loa. Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị chưa quan tâm đúng mức mà giao phó cho cán bộ chuyên trách. Có đơn vị ngay từ đầu năm vẫn chưa xây dựng được nội dung thi đua hoặc tổ chức thi đua nặng về hình thức…

- Để giải quyết những tồn tại, là đơn vị tham mưu cho UBND TPHCM, Ban Thi đua - Khen thưởng phải làm gì?

- Trong năm qua, Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM đã lập đoàn kiểm tra tại 30 đơn vị có phong trào thi đua còn yếu. Trước khi kiểm tra, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ hoạt động của đơn vị. Trên cơ sở đó, chúng tôi phân tích được nguyên nhân phong trào thi đua đơn vị đó yếu kém là do đâu (do nhận thức, thiếu hiểu biết hay cấp lãnh đạo không quan tâm…) từ đó chúng tôi giúp đỡ, hướng dẫn để đơn vị vực dậy phong trào. Nhờ vậy, các đơn vị sau khi được kiểm tra, giám sát đã tiến bộ hẳn. Rõ ràng, tăng cường kiểm tra giám sát là để vực dậy phong trào.

- Có ý kiến cho rằng, việc chia cụm khối thi đua vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến việc nhận xét, đánh giá, bình bầu không tránh khỏi nể nang, cảm tính?

- Tôi nhìn nhận có thực tế này. Tuy nhiên, thực tế này không phải phổ biến vì việc bình chọn phải qua nhiều “kênh” như: đơn vị tự chấm điểm; sở ngành chấm đểm cho quận huyện, quận - huyện chấm điểm cho sở ngành. Cuối cùng, Ban Thi đua - Khen thưởng còn xin ý kiến của cơ quan chức năng như cơ quan kiểm tra Đảng, Thanh tra Nhà nước, Ban Tổ chức Thành ủy… để khen thưởng đúng người, đúng việc. Theo tôi, tồn tại trên một phần là do Luật Thi đua - Khen thưởng còn nhiều bất cập, các quy định còn thiếu… Do vậy, những vấn đề tồn tại thuộc về luật, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị lên Trung ương để giải quyết.

- Để phong trào thi đua - khen thưởng thật sự mạnh là nhờ sự quan tâm sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền và từ năng lực của cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị, cán bộ chuyên trách còn thiếu, yếu. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Rõ ràng, thời gian qua, cấp quận - huyện , sở - ngành bố trí cán bộ làm công tác thi đua - khen thưởng chưa ngang tầm và phải kiêm nhiệm quá nhiều việc. Chưa kể, việc phân công không thống nhất, có nơi cán bộ văn phòng kiêm nhiệm, có nơi là cán bộ đoàn thanh niên kiêm nhiệm… Tại hội nghị tổng kết công tác thi đua - khen thưởng toàn quốc năm 2009 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân có phát biểu trong năm 2010, TPHCM sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy công tác thi đua cho phù hợp với tình hình mới.

- Xin cảm ơn bà!

V.ANH – H.HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục