Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý tại Thông tư 13/2017 quy định về sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành.
Tại thông tư này, Bộ Xây dựng quy định rõ, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây tại từng địa phương theo tỷ lệ khác nhau.
Cụ thể, tại TP Hà Nội và TPHCM, các công trình nêu trên phải sử dụng VLXKN 100%. Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ và các tỉnh vùng Đông Nam bộ (tại các khu đô thị từ loại III trở lên) sử dụng tối thiểu 90%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%. Đối với các tỉnh còn lại (tại các đô thị từ loại III trở lên) phải sử dụng tối thiểu 70%, các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% VLXKN.
Ngoài ra, đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên cũng phải sử dụng tối thiểu 80% VLXKN trong tổng số vật liệu xây dựng. Các công trình có yêu cầu đặc thù không sử dụng VLXKN, phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xem xét, chấp thuận. Tuy nhiên, Nhà nước khuyến khích sử dụng VLXKN vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Thông tư cũng nêu rõ, các công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc được cấp giấy phép xây dựng trước ngày 1-2-2018 (ngày Thông tư 13/2017 có hiệu lực thi hành) thì thực hiện như quyết định đã được phê duyệt dự án hoặc giấy phép xây dựng đã cấp. Các công trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án hoặc được cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa khởi công và phải phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án hoặc điều chỉnh, bổ sung giấy phép xây dựng sau ngày 1-2-2018, trường hợp không thay đổi thiết kế xây dựng công trình thì thực hiện như thiết kế xây dựng công trình đã được phê duyệt; trường hợp thay đổi thiết kế xây dựng công trình phải thực hiện theo đúng quy định tại thông tư này đối với phần công trình có thay đổi thiết kế xây dựng. Nhà nước khuyến khích chủ đầu tư thay đổi thiết kế để sử dụng VLXKN.