Xây dựng xanh, hay còn gọi là xây dựng phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Những công trình trong cả vòng đời sử dụng, tiêu thụ tài nguyên (năng lượng, nước, vật liệu xây dựng - VLXD) một cách hiệu quả nhằm đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng công trình, đồng thời giảm tối thiểu các tác động đến môi trường được gọi là công trình xanh. Bên cạnh đó, chi phí hợp lý và lợi ích kinh tế lâu dài cũng mang tính quyết định đến công trình xanh.
Nhóm vật liệu xây dựng bền vững
Theo thống kê của Hội đồng công trình xanh thế giới (World Green Building Council - WGBC), một công trình xây dựng tiêu thụ khoảng 17% lượng nước sạch, 25% khối lượng gỗ từ rừng, chiếm 33% lượng phát thải carbon, sử dụng 30%-40% năng lượng và cần đến 40%-50% nguyên vật liệu thô trong quá trình xây dựng và vận hành. Cùng với đó, ngành VLXD cũng gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thể hiện qua việc tiêu thụ năng lượng và tác động đến môi trường trong giai đoạn khai thác nguyên liệu thô, xử lý nguyên liệu, quy trình sản xuất vật liệu thành phẩm…
Tòa nhà tại quận 1 TPHCM sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường Ảnh: Huy Anh
Theo ông Vũ Hồng Phong, Quản lý Dự án thuộc WGBC, việc sử dụng nhóm VLXD bền vững đóng góp rất lớn vào sự hình thành công trình xanh và lợi ích môi trường. Cụ thể, việc tái sử dụng VLXD sẽ làm giảm bớt chi phí mua VLXD mới cũng như tận dụng được kết cấu, VLXD các công trình khác hoặc chính công trình đang cải tạo. Ví dụ như công trình “Tòa nhà xanh Một Liên hiệp quốc - Green One UN House” kết cấu có sẵn của 4 công trình cũ để cải tạo thành công trình mới với mức độ tái sử dụng toàn bộ kết cấu có sẵn là 94%. “Điều này tương ứng với việc tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải trong quá trình phá dỡ và xây dựng mới nên tính trên cả vòng đời của công trình, tác động tiêu cực tới môi trường của công trình đã được giảm thiểu đáng kể” - ông Phong cho hay.
Hiện nay trên thị trường VLXD tại Việt Nam có nhiều loại có thành phần tái chế như xi măng và thép góp phần tăng hiệu quả sử dụng, giảm thiểu năng lượng và sử dụng tài nguyên thô giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, trong xây dựng, gạch xây là một trong những sản phẩm chủ yếu để xây dựng công trình. Chính vì thế, Nhà nước hiện đang khuyến khích các công trình sử dụng vật liệu không nung nhằm hạn chế việc khai thác đất sét (để làm gạch đất sét nung) từ đất nông nghiệp, làm giảm diện tích sản xuất cây lương thực, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Theo quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu sử dụng VLXD tương ứng khoảng 42 tỷ viên gạch quy chuẩn. Nếu đáp ứng nhu cầu này bằng gạch đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 57 - 60 triệu m2 đất sét, tương đương với 2.800 đến 3.000 ha đất nông nghiệp; tiêu tốn từ 5,3 đến 5,6 triệu tấn than, thải ra khoảng 17 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính… Chính vì thế, việc thay thế gạch đất sét nung bằng vật liệu không nung trở thành một xu hướng tất yếu phù hợp với xu hướng phát triển trong lĩnh vực VLXD của thế giới.
Tăng cường kiểm tra
Với tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại TPHCM ngày càng gia tăng, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực VLXD. Thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành VLXD bền vững liên quan trực tiếp tới sự phát triển của công trình xanh. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn chưa có nhiều công trình sử dụng VLXD bền vững. Chẳng hạn như việc sử dụng gạch không nung không chỉ bảo vệ môi trường mà còn có nhiều ưu điểm như nhẹ, dễ vận chuyển, chống cháy, cách nhiệt, các âm, chống động đất tốt mà còn tiết kiệm năng lượng, thời gian thi công và chi phí vận hành công trình, nhưng một số đơn vị vẫn không mặn mà.
Theo ông Phan Đức Nhạn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, hiện nay một số đơn vị vẫn còn e ngại trong việc sử dụng gạch không nung, vì khi sử dụng loại gạch này đòi hỏi phải có sản phẩm phụ kiện đồng bộ và vữa xây chuyên dùng. Trong khi đó, một số đơn vị vì tiết kiệm chi phí nên không sử dụng đồng bộ dẫn đến quan niệm sai lầm là gạch không nung kém chất lượng. Ngoài ra, các nhà sản xuất VLXD không nung cũng chưa chỉ dẫn và khuyến cáo rõ các biện pháp thi công đối với loại gạch này. “Cùng với đó, giá thành của gạch không nung tương đối cao so với gạch nung nên một số chủ đầu tư chưa tính toán đầy đủ chi phí vòng đời của dự án mà chỉ quan tâm đến chi phí xây dựng nên chưa nhận thức rõ về tính ưu việt của gạch không nung”- ông Nhạn cho hay. Theo ông Nhạn, mặc dù quá trình tiếp cận VLXD thân thiện môi trường còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng là xu hướng tất yếu nên phải thực hiện, dù sớm hay muộn vì mục tiêu bảo về môi trường, tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững của ngành xây dựng trong tương lai.
Thực tế, để các chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tăng cường sử dụng VLXD không nung trong các công trình xây dựng, TP cũng đã thực hiện một số biện pháp như lồng ghép việc triển khai, hướng dẫn quy định sử dụng VLXD không nung vào các đợt kiểm tra chất lượng VLXD lưu thông trên thị trường và sử dụng trong công trình. Thống kê các công trình thuộc đối tượng bắt buộc sử dụng VLXD không nung để quản lý, theo dõi, đôn đốc thực hiện theo quy định.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện Sở Xây dựng cũng đã và đang triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, như thực hiện Chương trình phát triển VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung truyền thống; triển khai đồng bộ trong việc sử dụng VLXD thân thiện môi trường tại tất cả các khâu phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng, kiểm tra nghiệm thu từ giai đoạn thực hiện đến hoàn thành công trình để hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng và khuyến khích các đơn vị khác sử dụng VLXD không nung; đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra việc sử dụng VLXD không nung trong công trình xây dựng tại TP.
PHÚC LONG