Công việc thầm lặng đáng quý

Buổi sáng cọc cạch với chiếc xe đạp cũ đi thu gom sắt thải kiếm vài ba chục ngàn trang trải cuộc sống. Buổi chiều người ta thấy ông không nghỉ ngơi mà lại cặm cụi khi thì phát quang, vớt rác cho đoạn kênh Cầu Mé gần đó, lúc lại tỉ mẩn trám lại những chiếc ổ gà của con hẻm nhỏ…

Đó chính là những công việc thường nhật đã 20 năm nay của ông Phạm Văn Tân (sinh năm 1940), hiện ngụ tại 161D/104/45, thuộc tổ dân phố 25, khu phố 2, đường Lạc Long Quân, phường 3, quận 11, TPHCM.

Kinh tế gia đình chẳng lấy gì làm khá giả nếu như không muốn nói là có phần khó khăn. Hiện con cái đều đã có gia đình và ra riêng, chỉ còn hai vợ chồng ông sống trong căn nhà nhỏ. Tuy thế, nhiều năm nay cứ mỗi buổi chiều là ông lại luôn tay với những công việc kiểu “vác tù và hàng tổng” mà không hề đòi hỏi điều gì.

Một người hàng xóm của ông Tân chỉ vào con kênh Cầu Mé nói: “Không có ông Bảy (tên mọi người trong khu vực gọi ông Tân) thì con kênh này đã đặc cứng vì rác rồi chứ đâu được như bây giờ”. Vậy nhưng ông Tân chỉ cười: “Không vớt để khơi thông dòng chảy thì mùa mưa nước sẽ tràn lên hẻm, dơ lắm. Với lại làm như vầy cũng đỡ được mấy con muỗi gây sốt xuất huyết, làm gì mà có lợi cho mọi người thì tôi làm thôi!”.

Do vẫn còn nhiều người thiếu ý thức cứ mang rác vứt thẳng xuống kênh nên ông Tân mới vừa vớt hôm trước thì chỉ hai, ba hôm sau con kênh đã lại có rác. Nhiều khi rác nhiều quá, làm không xuể, ông lại tự bỏ tiền túi ra “kêu đứa thanh niên nào đó nó vớt phụ”. Rác vớt lên được phơi khô rồi gom lại một chỗ, tầm 4 giờ sáng thì ông thức dậy để đốt.

Ông Nguyễn Văn Đúng (Tổ trưởng tổ dân phố 25) cho biết: “Giá ai cũng như bác Bảy thì tốt quá! Tội nghiệp, tuy cũng khó khăn nhưng gặp ai khó khăn là bác luôn sẵn sàng giúp. Mùa mưa bác cứ dầm mưa, bì bõm lội nước mà khơi thông dòng chảy cho con hẻm chung bớt ngập, thấy thương lắm!”.

Tuy đã bước vào tuổi mà mọi người thường nói là “xưa nay hiếm” nhưng ông Tân vẫn “hay lam hay làm” bởi “ở không thì khó chịu lắm, lại dễ sinh bệnh. Làm thế này xem như là tập thể dục, người khỏe hơn”. Không chỉ thường xuyên dọn rác cho dòng kênh, đường hẻm có cái ổ gà nào là ông đi mua xi măng về rồi cẩn thận trám lại ngay.

Trước đây, thấy đường trong hẻm chưa có đèn chiếu sáng, sợ mọi người ban đêm đi lại gặp nguy hiểm, vậy là ông tự bỏ tiền túi ra mua dây điện với vài cái bóng đèn về mắc. “Giá mỗi cái bóng đèn không bao nhiêu, sinh mạng con người mới là quan trọng” - ông Tân giải thích. Khi được hỏi sẽ còn làm những công việc như vậy cho đến bao giờ thì ông bộc bạch: “Chỉ cần tôi còn sức khỏe thì còn làm nữa, khi nào hết mới thôi!”.

THANH PHÚC

Tin cùng chuyên mục