Công viên 23-9 nằm ở quận 1, ngay vị trí trung tâm TPHCM, nhưng “lá phổi xanh” của TP đã dần bị “bê tông hóa”. Cùng với việc phải cắt công viên để thông đường nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông và làm nhà ga chính tuyến metro số 1, nhiều đơn vị, tổ chức đã cùng xẻ diện tích khu đất vàng này để sử dụng vào mục đích khác.
Chia năm, xẻ bảy
Công viên 23-9 nằm giữa 2 con đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, trải dài từ Công trường Quách Thị Trang đến chợ Nguyễn Thái Bình.
Trước đây, khu đất này là ga xe lửa Sài Gòn, từ khi ga dời về quận 3, một phần mặt bằng gần 10ha được biến thành công viên, do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM quản lý.
Công viên 23-9 là cảnh quan tạo sự thông thoáng, mát mẻ giữa khu đô thị dày đặc nhà cửa, là công trình phúc lợi, nơi nghỉ ngơi, thư giãn của người dân và là điểm đến của nhiều du khách. Nhưng công viên này đang bị chia năm xẻ bảy với nhiều lý do nghe chừng hợp lý. Trong tình hình TPHCM ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhưng lại thiếu bãi đậu xe buýt, Sở GTVT đã cắt đất công viên để xây dựng bến bãi xe buýt. Hàng loạt cây xanh bị triệt hạ, thảm cỏ bị đào bới để lấy mặt bằng. Nhà điều hành được xây nhanh chóng. Thế là 2ha đất công viên đã biến thành bến bãi xe buýt.
Cách bến xe buýt một chút, gần 1ha Công viên 23-9 cũng bị trưng dụng làm trụ sở Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM) và Quản lý thị trường TPHCM (thuộc Sở Công thương), mọc lên những tòa nhà xây dựng kiên cố, được bao bọc bởi hàng rào kín cổng cao tường.
Cũng trên đất Công viên 23-9, công trình có kết cấu bê tông, sắt thép lớn nhất là khối nhà hát Sen Hồng, hệ thống siêu thị và trung tâm xúc tiến du lịch, nằm trên diện tích 1,2ha, không chỉ xây cao trên mặt đất mà còn làm tầng hầm dưới lòng công viên, trở thành khu thương mại đông đúc. Những công trình này thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch TPHCM. Xen vào những phần đất trống là các điểm dịch vụ giữ xe, mỗi bãi xe chứa đến hàng ngàn chiếc xe máy.
Diện tích mảng xanh chỉ còn dưới 3ha
Theo quy hoạch Sở Quy hoạch - Kiến trúc trình UBND TPHCM năm 2007, Công viên 23-9 có 9 chức năng. Trong đó, chức năng chính là công viên cây xanh, khu sinh hoạt văn hóa, quảng trường; chức năng phụ của công viên là đầu mối giao thông (ga cho xe điện ngầm và trạm điều hành xe buýt), chỗ đậu xe (tại các tầng hầm dưới công viên) và trung tâm thương mại - dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay chức năng chính đang bị lấn át.
Ông Nguyễn Văn Toan, Phó Giám đốc Ban Quản lý công viên trung tâm, cho biết: Ngoài các điểm giữ xe của Thanh niên xung phong, tại Công viên 23-9, các sở GTVT, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Du lịch, Văn hóa - Thể thao đều có cơ sở hoạt động, kinh doanh. Công viên có diện tích trên 10ha, nhưng nay diện tích mảng xanh mà đơn vị đang quản lý, chăm sóc chỉ còn dưới 3ha.
Phần thảm xanh ít ỏi còn lại cũng đang bị thương mại hóa. Các công ty tổ chức sự kiện đã khai thác triệt để mặt bằng trong công viên. Dù TPHCM đã có các trung tâm triển lãm, hội chợ, nhưng nhiều doanh nghiệp lại chọn Công viên 23-9 để tổ chức hội chợ, giới thiệu sản phẩm, do vị trí đắc địa. Hầu như tháng nào trong công viên cũng có hội chợ.
Khung nhà của hội chợ này chưa tháo dọn, hội chợ khác lại dựng lên. Giá thuê gian hàng để giới thiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm khá cao. Công ty tổ chức sự kiện chỉ trả một ít tiền cho chi phí xin giấy phép và trồng lại cỏ, nên số lợi nhuận rất lớn.
Công viên 23-9 được quy hoạch 9 chức năng phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế và hạ tầng kỹ thuật đô thị, do đó phải chấp nhận việc trưng dụng một phần diện tích cho các chức năng phụ, song diện tích mảng xanh công viên đã phải thu hẹp nhiều, cần gắng giữ, không trưng dụng thêm nữa, để tạo môi trường xanh và cảnh quan thoáng ở khu trung tâm TPHCM.