Hơn 12ha ruộng vườn tại phường Long Phước (quận 9, TPHCM) đã bị trôi xuống sông. Trước tình trạng sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, UBND TP đã có văn bản kiến nghị ngưng khai thác cát trên sông Đồng Nai. Thế nhưng, hoạt động khai thác cát vẫn tiếp diễn và nhà đất của người dân vẫn trôi xuống sông.
Cát hút lên, ruộng vườn trôi xuống
Long Phước được bao bọc bởi sông Tắc và sông Đồng Nai, nên bốn bề đều bị lở. Bà con ở đây cho hay, từ lúc diễn ra hoạt động khai thác cát ở đáy sông Đồng Nai với quy mô lớn, đất ven sông bị sạt lở trầm trọng hơn. Nhà cửa ruộng vuờn của người dân cứ lần lượt trôi xuống sông.
Hộ bà Nguyễn Thị Giàu đã bị mất trắng khu vườn cây rộng cả ngàn mét vuông ở cánh đồng Bùng Binh, ven sông Tắc. Mấy năm trở lại đây, bờ sông lở nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ khu vườn trôi xuống sông. Trang trại của ông Tư Quây cũng đang bị sạt lở nhanh. Mới năm trước, bờ sông còn cách trang trại chừng 30m, nay nước đã xoáy sâu vào khu đất. Mặc dù người dân tìm mọi cách ngăn sạt lở nhưng đều không hiệu quả. Những người sống ven sông cho biết, mỗi khi triều xuống, nước ròng lại kéo theo đất đổ xuống sông. Ở đây, không riêng trường hợp hộ ông Tư Quây và bà Giàu, mà nhiều hộ khác cũng đang sống trong cảnh nơm nớp lo lắng, bởi ruộng vườn cứ sạt lở dần.
Bà Cao Thùy Nhịn, Phó Chủ tịch UBND phường Long Phước, cho biết: “Ở Long Phước có nhiều điểm sạt lở nhanh, trong tình trạng nguy hiểm như cánh đồng Bùng Binh, Long Đại, cầu Đỏ… Do đã bị lở mất đến 12ha đất vườn, nên hàng trăm hộ bị ảnh hưởng, thiếu đất sản xuất. Tình trạng sạt lở ngày càng khốc liệt hơn và trải dài dọc theo các bờ sông”. Hiện nay, không riêng điểm nóng Long Phước, mà các phường khác tại quận 9 như Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Long Trường… cũng xảy ra sạt lở trầm trọng. Tổng cộng diện tích ruộng vườn bị sạt lở tại các xã trong thời gian qua đã lên gần 30ha và sẽ chưa dừng lại đó.
Vẫn chưa đến hồi kết
Theo UBND phường Long Phước, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là nạn hút cát quá mức trên các dòng sông. Từ khi Công ty cổ phần Hàng hải và đầu tư phát triển Hiệp Phước được cấp phép khai thác cát đáy sông Đồng Nai, nạn sạt lở càng dữ dội hơn, xảy ra trên diện rộng. Theo giấy phép, công ty này được phép hút 10 triệu m3 cát trong thời gian 10 năm. Sông Đồng Nai vốn đã sâu, dòng nước chảy mạnh, nên thường gây sạt lở, nay do việc hút cát đáy sông với quy mô lớn, càng khiến tình trạng sạt lở nhanh hơn. Bên cạnh đó, nạn khai thác cát trái phép cũng đang diễn ra tràn lan, góp phần làm sạt lở nhanh. Mặc dù UBND TP đã có văn bản kiến nghị dừng khai thác cát trên sông Đồng Nai để ngăn chặn, hạn chế sạt lở làm trôi nhà đất của dân, nhưng chưa đủ hiệu lực để buộc Công ty Hiệp Phước dừng hoạt động khai thác đã được cấp phép.
Tại Long Phước, công tác chống khai thác cát lậu đang được thực hiện quyết liệt. Các ấp đều tổ chức lực lượng mai phục để bắt bọn khai thác cát lậu. Những gia đình ven sông là nạn nhân trực tiếp bị sạt lở có trách nhiệm quan sát, canh chừng 24/24 giờ. Mỗi khi người dân phát hiện ghe hút cát sẽ điện báo ngay cho chính quyền. Đội cơ động thường xuyên túc trực, nhanh chóng triển khai truy bắt, ngăn chặn. Nhờ sự phối hợp này mà hàng trăm vụ khai thác cát trái phép đã bị phát hiện, xử lý.
Ngay trong khuôn viên trụ sở UBND phường Long Phước, đang có một “núi” động cơ máy nổ của các ghe hút cát lậu bị thu giữ. Con rạch trước trụ sở UBND dài hơn 100m đã kín thuyền ghe, không còn chỗ chứa. Còn điểm rạch đầu cầu Trường Đai cũng đang có gần 100 thuyền ghe lớn nhỏ của các nhóm khai thác cát lậu bị tịch thu. Hàng năm, quận cho phép phường tổ chức tháo dỡ thanh lý giải phóng mặt bằng, nhưng hai con rạch vẫn không còn chỗ chứa thuyền ghe khai thác cát lậu đã thu giữ. Vậy nhưng, vì lợi nhuận nên các nhóm khai thác cát lậu vẫn không chùn tay. Nạn khai thác cát lậu chưa giảm và ruộng vườn, nhà cửa của người dân Long Phước vẫn đang tiếp tục bị cuốn xuống sông.
TRẦN YÊN